(2649 chữ, 8 phút, 49 giây đọc)
Nghe là một trong những kỹ năng “khoai” nhất khi học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp. Chúng ta có thể đã làm rất nhiều cách để “kết duyên” cùng người đẹp này nhưng thất bại liên tục.
Cách đây mấy năm, mình vừa nghe tiếng Pháp để chép chính tả vừa khóc. Dù đã tua đi tua lại mấy chục lần một đoạn băng mà vẫn không thể nghe ra từ đó là gì. Đến giờ, mình đã vui vẻ, tự tin nghe tiếng Pháp tằng tằng, cũng đã đi dạy tiếng Pháp vài năm và giúp hàng trăm học viên đỗ bằng DELF. Sau tất cả, mình có 1 số đúc kết sau đây.
Chúng ta chưa thể chinh phục CO vì thiếu những điều kiện cơ bản sau.
1. Thiếu kiến thức về NGỮ ÂM (phonétique)
Có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên bắt đầu học tiếng Pháp khi đã lớn (cấp 3, đại học) và học khá vội nên không được tìm hiểu kỹ về Ngữ âm – Phonétique.
Phần kiến thức này bao gồm việc học về bảng chữ cái, các âm tiết (nguyên âm mũi, miệng/phụ âm), học cách đánh vần và ghép âm, học về các quy tắc nối âm, ngữ điệu và tông giọng trong tiếng Pháp. Ngay cả khi nó khá phức tạp và mình cũng nghĩ không nhất thiết phải nắm được 100%, chúng ta cần học và luyện tập để vững “cái gốc” về âm. Từ đó, ta có cách đọc tiếng Pháp đúng.
Hậu quả của việc thiếu kiến thức về ngữ âm:
- Phát âm sai nhiều mà không biết mình sai. Nói sai từ ngày này qua ngày khác và nghe người Pháp nói đúng, các bạn sẽ không biết họ đang nói gì luôn vì trong tiềm thức của bạn vốn không có âm đó, từ đó.
- Không thể viết ra chữ mặc dù nghe được âm (vì không biết ghép vần, đánh vần)
Giải pháp để cải thiện tình trạng:
- Học lại về ngữ âm, luyện tập theo các bài tập để cải thiện phát âm. Nguồn học online miễn phí: A1-Yêu lại từ đầu (mình dạy), Phonèmes, Podcast français facile, Bon Patron,…
- Tập thói quen tra cứu phát âm của từ khi học/khi đọc, chẳng hạn tra ở Forvo.
2. Thiếu TỪ VỰNG và HIỂU BIẾT XÃ HỘI
Từ vựng là nền tảng để học tốt mọi kỹ năng nhưng lại hay bị phớt lờ. Khi thiếu nó, hậu quả là: nghe được âm, viết được ra chữ nhưng chúng ta bất lực trong việc hiểu nội dung. Ta không có từ vựng hay chút kiến thức xã hội nào về chủ đề ấy.
Ngữ vựng và hiểu biết xã hội được tích lũy dần dần trong quá trình các bạn học tiếng, thời gian học càng lâu, tỉ lệ va chạm với môi trường tiếng Pháp càng cao thì vốn từ càng nhiều. Vậy những bạn không có nhiều thời gian và không sống/làm việc tại nơi có nhiều người nói tiếng Pháp thì phải làm sao?
Giải pháp: Tự học qua các cuốn sách chuyên về từ vựng hoặc các trang web với bài tập tương tác. Sau nhiều năm đi dạy, mình rất khuyến khích các bạn tìm đọc các cuốn sách sau.
- A1-A2: Vocabulaire progressif du français – Niveau débutant (từ vựng theo chủ đề và có bối cảnh giao tiếp, bài tập đi kèm)
- A1-A2: Vocabulaire en contexte – Niveau débutant
- B1-B2: Vocabulaire pour réussir le DELF B1/B2 (từ vựng và kiến thức xã hội, xem tại đây)
- Các trình độ: Le point du FLE
Sách thì có vô vàn, nhưng chọn lọc lấy 1 vài cuốn để tập trung. Nhiều bạn có thói quen xin hoặc mua nhiều sách rồi chìm đắm trong tài liệu. Cuối cùng chẳng học được gì vì mỗi cuốn ngó 1 tí rồi bỏ đấy mốc meo. Học hết cuốn này thì mới sang cuốn khác nhé!
3. Thiếu TÀI LIỆU phù hợp và hay
Các bạn có thể nghe tiếng Pháp ở rất nhiều nơi, đơn giản nhất là lên Youtube gõ 1 hồi sẽ ra cả tá. Nào là vlogger người Pháp nói tiếng Pháp, vlogger không phải người Pháp vẫn nói tiếng Pháp, các bài giảng, các bản tin tiếng Pháp với hàng trăm chủ đề và độ dài ngắn khác nhau.
Tuy nhiên, phải biết chọn nội dung phù hợp và có độ khó tương đương với niveau mà bạn đang theo học. Bởi vì khi nghe những thứ lan man không có chiến lược thì từ vựng chắp vá vô cùng. Nghe không phải để kiểm tra thính giá, nghe để hiểu, để làm giàu vốn từ và học cách diễn đạt. Vì vậy, luyện tập mà không có hệ thống, cuối cùng nghe xong chẳng để làm gì.
Hậu quả:
- Nghe bài quá khó thì nhanh nản, bỏ cuộc khi vừa mới bắt đầu.
- Nghe bài quá dễ thì tự mãn và nghĩ mình giỏi lắm rồi hiểu được hết rồi nên không cần phải học nữa.
Giải pháp:
- Nếu đang theo học 1 khóa học với thầy cô, hãy sử dụng và khai thác triệt để tài liệu được biên soạn cho đúng trình độ của bạn.
- Nếu bạn đang tự học, hãy chủ động tìm kiếm các tài liệu (thường là sách bản pdf) dành cho niveau của mình để luyện tập thường xuyên.
4. Thiếu PHƯƠNG PHÁP luyện tập hiệu quả
Nhiều bạn cứ cắm đầu vào học nghe một cách mù quáng mà không hề tính toán đến hiệu quả. Bản thân mình ngày xưa cũng vậy, mình xin kể lại những lần thiếu phương pháp học dẫn đến việc học không hiệu quả, bạn nào thấy nhột thì bắt tay một cái nhé.
Sai lầm 1 – nghe bất chấp: mình đã từng luyện kiểu này rất nhiều, ví dụ thấy 1 chủ đề lạ hoắc- kệ, cứ đâm đầu vào nghe để làm câu hỏi và chép chính tả (làm transcription) đã. Xong cuối cùng chuốc lấy 1 đống tâm trạng tồi tệ, ức chế, chán nản và thù hằn kỹ năng nghe vì nó quá khó, quá đánh đố.
Giải pháp:
- Nếu ta còn ít vốn từ thì hãy học từ mới qua bài nghe chứ đừng đợi có từ rồi mới học nghe.
- Hãy xem trước transcription, đọc thêm về nội dung chủ đề rồi mới nghe (và không nhìn phụ đề nữa).
Sai lầm 2 – nghe trong vô thức khi không hiểu về nội dung: lúc này âm thanh vào tai trái, ra tai phải, nghe xong ngủ thật sâu thật ngon. Sức khỏe thì cải thiện mà điểm nghe vẫn lẹt đẹt vì không đọng lại gì.
Giải pháp:
- Đọc transcription hoặc nội dung audio trước rồi mới nghe trong vô thức.
- Và dành nhiều thời gian hơn để nghe có ý thức.
Khi còn nhỏ, khả năng thẩm thấu ngôn ngữ là rất lớn và phương pháp nghe thụ động có vẻ khá hiệu quả. Nhưng người lớn có rất nhiều thứ quan tâm và hay mất tập trung, không còn dễ để thu nạp thông tin thụ động, hiếm khi “tắm” trong ngôn ngữ một cách vô thức mà tự nhiên giỏi được nữa.
Sai lầ 3 – nghe chép chính tả kiểu cực đoan: nghe và làm transcription là phương pháp học hiệu quả nhưng ít bạn theo đuổi được. Nó đòi hỏi sự kiên trì và khả năng tập trung cao độ. Đôi khi cách này có những tác dụng phụ không mong muốn vì trong văn nói, người Pháp cũng nói sai và có những đọan thông tin không cần thiết và khó nghe cực kỳ vì họ nói lướt. Chúng ta cố gắng nghe đến mức … phát điên rồi cũng không để làm gì.
Giải pháp:
- Thay vì nghe và làm transcription thì hãy nghe và làm bài tập đục lỗ. Các từ khuyết là từ khóa quan trọng, và thật ra trong khi giao tiếp, không cần nhớ và hiểu 100% thông tin, cần tập trung vào nội dung chính là đủ.
- Nếu nghe chép chính tả, hãy chọn audio có độ khó thấp hơn trình độ thực của bạn. Ví dụ bạn đang học B1, hãy chọn bài nghe A2 để làm transcription. Bật audio, đợi họ nói 2-3 câu rồi mới ngồi viết lại. Phương pháp này rèn trí nhớ ngắn hạn cực kỳ tốt.
5. Thiếu một TÂM HỒN ĐẸP
Đoạn này không phải để tấu hài nhé, là chia sẻ thật lòng. Tâm hồn đẹp nghĩa là hãy biết bao dung với bản thân khi học bài, đặc biệt là một kỹ năng khó như nghe. Đừng ép mình phải làm những thứ quá sức, tội lắm. Nhưng cũng kiên nhẫn và nỗ lực hơn một chút, đừng vội nản lòng.
Để tìm được một mức độ vừa phải cho việc luyện tập và cố gắng, hãy cụ thể hóa nó bằng số lần nghe. Tâm hồn đẹp đồng nghĩa với việc học xong vẫn phải vui vẻ, nhẹ nhõm chứ không phải tăng xông cực kỳ rồi hờn cả thế giới.
Giải pháp: Giới hạn số lần nghe trong khoảng 4-6 lần cho một bài tập. Thông thường là 4 lần, bạn nào lỳ lợm thì 6 lần, còn lại chúng ta đi xem đáp án, phân tích transcription và đọc thêm cho thoải mái và ghi chép từ vựng.
Chia sẻ đã dài, là tất cả tâm tư, tình cảm và tâm huyết của mình.Mình từng một người học từng rất khổ sở để nghe tốt và đang là một cô giáo luôn trăn trở để giúp các bạn cải thiện kỹ năng nghe.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây. Sự tập trung và nỗ lực của bạn sẽ giúp mình có thêm động lực chia sẻ đấy. Hẹn gặp lại!
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Mình chia sẻ vì muốn giúp bạn học tập, làm việc hiệu quả hơn. Bạn cũng chia sẻ cho mọi người nhé. Chúc chúng ta cùng nhau thành công!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.