(4291 chữ, 14 phút, 18 giây đọc)
Life is all about experience.
Lần đầu tiên chạm tay vào mây trời Hà Nội
Máy bay cất cánh vào lúc hoàng hôn. Không biết đây đã là lần bao nhiêu mình đi máy bay nhưng bầu trời ngoài cửa sổ đẹp hơn bao giờ hết. Khoảng cách giữa mình và những đám mây chưa lúc nào gần đến thế. Để có được tấm ảnh này là sự kết hợp hoàn hảo của thời gian cất cánh, vị trí ngồi gần cửa sổ, tầm bay vừa phải, một chiếc điện thoại chụp ảnh đẹp và nữ hành khách thích ngắm mây trời.
Lần đầu tiên thấy núi rác khổng lồ ở New Delhi
Buổi sáng đầu tiên ở Delhi, mình đi qua một ngọn núi dị thường. Ở đó không có cây, không có suối chảy hay chim hót líu lo. Phủ lên nó là một màu xám đen ảm đạm. Lác đác trên sườn núi là bóng vài người mót rác xiêu vẹo và mờ nhạt, lẫn trong những cánh chim diều hâu, những cánh quạ đen.
Mình đã cố tìm nút mở cửa sổ để ngửi xem ngọn núi này bốc mùi kiểu gì nhưng không thành. Trải nghiệm trở nên thiếu trọn vẹn vì chỉ có thị giác làm việc, khứu giác ngồi chơi.
Lần đầu tiên chạm vào tượng đá về các vị thần trong tôn giáo
Ấn Độ là một đất nước đa tôn giáo, cái này mình biết và bạn cũng biết. Cơ mà bức tượng đá trong hình có niên đại từ thế kỷ bao nhiêu? Mình không biết, xin lỗi các bạn *hihi*. Do mải sờ và ngắm nên mình không tập trung đọc.
Không rõ đây là loại đá gì, được tạc từ khi nào nhưng chạm vào rất mát. Bề mặt đã được xử lý để không còn sự thô ráp của đá. Các chi tiết được tạc cực kỳ tinh vi. Tỷ lệ cơ thể người cũng khá hợp lý. Câu hỏi đặt ra là: không biết nghệ nhân đã phải học bao nhiêu năm để đạt đến trình độ tay nghề như vậy nhỉ?
Lần đầu tiên thấy hoa văn trên bức trướng từ thế kỷ X-XV
Đây là ảnh sau khi zoom lên rất nhiều lần. Mỗi hình vẽ chỉ có kích cỡ bằng ngón tay người lớn thôi các bạn ạ. Khi đứng trước lâu đài rồi các toà tháp cổ, chúng ta trầm trồ vì họ xây dựng được nhiều thứ to lớn hùng vĩ. Còn khi đối diện với tấm trướng này, mình ngạc nhiên trước sự tỉ mỉ và tinh xảo của nghệ nhân.
Giữa một thế giới multitask với nhiều người tự hào mình đa nhiệm đa tài thì ở đâu đó trong quá khứ, có những nghệ nhân cả đời chỉ gắn bó với một nghề duy nhất. Ngày qua ngày ngồi cặm cụi, luyện từng nét vẽ, học cách pha màu, tìm hiểu xem làm sao màu sắc sẽ lưu lại trên vải sau cả ngàn năm nữa… Tự nhiên cảm thấy có lỗi với tiền nhân.
Tên tuổi của người chế tác đã tan biến giữa dòng chảy của lịch sử, nhưng câu chuyện về sự tỉ mỉ và tâm huyết với sản phẩm thì sẽ còn được kể mãi. Chúng ta vẫn nhắc lại cho tới ngày những nét vẽ phai màu (dự là rất lâu nữa).
Lần đầu tiên thấy hàng vạn ngôi nhà xây dở
Chưa bao giờ mình nhìn thấy nhiều ngôi nhà xây dở như thế. Từ thành phố trẻ đến thành cổ, từ phố thị về nông thôn. Những ngôi nhà chỉ xây thô, chưa trát vữa, cửa còn trống hoác nhưng vẫn có người ở. Trong một giây phút vô tri, mình hỏi mọi người là:
– Đây là kiến trúc riêng của người Ấn phải không ạ?
Câu trả lời là “không”. Đó là phong cách thiết kế của những gia đình muốn có một chỗ ở khang trang nhưng chưa đủ tiền. Mỗi viên gạch là một bữa ăn, để xây được nhà là sự tích cóp nhiều năm mà vẫn không đủ. Thôi thì, xây dở tức là sắp xây xong, hy vọng lần tới quay lại Ấn Độ sẽ thấy nhiều ngôi nhà hoàn thiện hơn.
Lần đầu tiên bay giữa hoàng hôn ở New Delhi
“Sunset lover” có thể tìm đến nơi này sinh sống bởi vì chiều tối ở đây rất dài. Không biết mọi khi thế nào nhưng mấy ngày mình ở Ấn, hoàng hôn xuống rất chậm. Máy bay đã cất cánh được 30 phút mà ánh mặt trời vẫn le lói ở phía sau, không chịu tắt.
Ánh nắng ở bên này có vẻ gay gắt hơn, bầu trời vẩn đục hơn. Khoảnh khắc trời xanh và nắng chiếu hiu hắt như này chắc sẽ hiếm hoi lắm đấy.
Lần đầu tiên đón bình minh trên sông Hằng
Sông Hằng là dòng sông mẹ của người Ấn, là mạch nguồn nuôi sống hơn 400 triệu người sống dọc hai bên bờ. Trước khi đến đây, truyền thông báo chí nói rằng sông bẩn lắm đó, ô nhiễm cực kỳ, người ta tắm gội, bơi lội dưới sông và hoả táng cạnh dòng sông luôn.
Vậy sự thật là gì?
Là người ta hoả táng ngay trên bờ sông bằng củi khô và một ít dầu. Là đàn ông đàn bà ra sông tắm gội, vui đùa, đánh răng, lấy nước sinh hoạt… Là dòng sông có những đoạn bốc mùi và rác thải nhựa trôi đầy vào bờ.
Là mình, đã lội xuống sông và uống trà được nấu từ nước sông Hằng. Nhập gia tuỳ tục, các bạn Ấn mình biết đều yêu dòng sông này lắm. Mấy bạn bảo nước sông chảy liên tục, vừa ôm ấp vừa cuốn trôi mọi thứ, không phải lo.
Lần đầu tiên uống Chai Tea bên bờ sông Hằng
Nếu ở Ấn Độ lâu ngày, giọng nói của mình sẽ cải thiện đáng kể, bởi vì giữa mùa hè mà người dân toàn uống trà nóng. Tìm đá viên còn khó hơn tìm người yêu luôn đấy chứ.
Đây là lần đầu mình được uống trà trong chiếc cốc như này, là đất nung thì phải. Đương nhiên là sau khi uống hết trà, mình đã rửa cốc ở sông Hằng và đem cốc về Việt Nam. Còn tặng cốc cho ai thì mọi người cùng đoán đi nhé.
Lần đầu tiên thấy quả cây tùng
Hiểu biết về cây cối của mình có hạn nhưng mình nhớ mang máng, đây là 1 cây thuộc họ tùng. Ở Việt Nam cũng nhiều vô kể nhưng chưa bao giờ mình thấy cây tùng ra hoa kết quả. Thế nên lần này qua Ấn Độ được thấy mấy chùm quả nên phải chụp lại ngay. Đặc biệt hơn, cây tùng này được trồng trong khuôn viên của ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ.
Lần đầu vào thăm ngôi chùa “quê” ở Ấn Độ
Mình đã thử ngồi xe tuktuk kiểu Ấn để đi dạo phố và được bác tài đưa vào một ngôi chùa khuất sau rất nhiều rặng cây xanh. Hoá ra là chùa của người Việt mình. Nếu có bảng điểm cho bác tài thì chắc chắn mình sẽ chấm bác điểm tối đa vì đã giúp mình khám phá ra nơi này!
Lần đầu tiên gặp sư thầy người Việt
Trước khi đến thăm chùa nhỏ ở thị trấn, mình đã ghé qua một ngôi chùa Việt Nam to đẹp hơn. Đến nơi vào buổi ban trưa, sư thầy đi chợ. Con đường vào chùa lầy lội bùn đất, hai bên đường là những mảnh vườn nhiều cây xanh xen lẫn với nhà dân. Đợi một lúc thì thầy về.
Chiếc xe đạp cũ, bộ quần áo nâu, túi nilon có 1 quả bầu và 3 cái bóng điện… thầy khá gầy nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và giọng nói sang sảng. Một mình thầy bê cả thùng nước to đùng ra mời mọi người.
Qua Ấn Độ cách đó mấy chục năm, thầy tích cực tổ chức các hoạt động tôn giáo cùng bà con người Việt tại Ấn Độ. Sau đó thầy về Việt Nam vận động gây quỹ, kết hợp nhiều chương trình để xây một ngôi chùa khang trang với bức tượng Phật rất lớn. Mùa thu, người Việt đến đây rất đông.
Nói thầy làm truyền thông tốt vì thời gian ở chùa rất ít nhưng cách thầy truyền tải thông tin cực kỳ logic và cô đọng. Để đơn giản hoá thì thầy sẽ biến lời giảng thành… thơ hoặc các câu văn ngắn có vần điệu. Không dám chụp thầy nên chụp bức tượng đá biểu tượng của ngôi chùa. Cơ ngơi của thầy chứng tỏ một điều: khi mình thật sự tin tưởng và yêu một điều gì thì sẽ lan toả tinh thần đó tới người khác.
Lần đầu tiên đi chợ quê ở Ấn Độ
Bên cạnh các quầy tạp hoá thì ở Ấn cũng có chợ dân sinh, chợ quê. Với một đứa fruit-lover như mình thì đương nhiên phải quay ống kính vào hàng hoa quả rồi.
Xoài ở đây rất thơm ngon, chuối và đu đủ cũng ngọt. Tuy nhiên, trên các sạp hàng sẽ có rất rất nhiều ruồi. Mình cũng chưa bao giờ thấy nhiều ruồi ở quầy hoa quả như vậy. Nên là mình lại cầm điện thoại lên và…
Lần đầu tiên thấy sạp hàng phụ kiện của chị em Ấn Độ
Son tint, lắc tay, lắc chân, nhẫn, kẹp tóc… đủ cả. Phụ kiện thường làm từ nhựa hoặc mỹ ký, nhìn không được tinh xảo nhưng khi đeo lên khá bắt mắt. Chị em Ấn Độ còn gặp nhiều nỗi khổ khi sống trong xã hội nặng phân biệt giới, phân biệt giai cấp… Nhưng ở góc độ nào đó, họ vẫn yêu bản thân và biết làm điệu. Có cung mới có cầu, bán nhiều thế này chứng tỏ chị em cũng mua về dùng rất nhiều, đúng không nào.
Lần đầu tiên thăm phế tích của một trường đại học lớn
Đại học Nalanda, nơi Đường Huyền Trang đã từng “du học”. Sau những cuộc chiến tranh tôn giáo, thảm sát và xung đột về sắc tộc, nơi đây chỉ còn lại tàn tích: một vài gian phòng nhỏ trong tu viện, mấy bức tượng bị chặt đầu, chặt tay chân… Mình cố gắng tưởng tượng lại không khí trang nghiêm của đại học Phật giáo thuở xa xưa, nhưng không thể.
Phật giáo từ ngày đầu xuất hiện cho tới nay đã trải qua mấy ngàn năm. Đi qua thời kỳ thịnh thế, Đạo Phật giảm dần sức ảnh hưởng tại chính cái nôi sinh ra nó. Bức ảnh này chính là cách mình ghi nhớ về những gì còn sót lại.
Lần đầu tiên đi chợ ở thị trấn giáp biên
Địa điểm này rất gần biên giới Nepal và Ấn Độ.
Theo chân mọi người đi mua đồ nhưng vì hết tiền nên mình đứng ngoài cổ vũ tinh thần shopping của anh chị. Bức ảnh được chụp lại trước khi sự cố xảy ra. Một anh thanh niên áo hồng sùng đạo và bị quá khích lao đến để thuyết giảng, hô hào các thứ. Tay ổng cầm gậy đập loạn xạ, lại còn cứ nhằm vào mình để gào lên. Mặc dù sợ nhưng mình không dám chạy đi, mãi một lúc sau ổng đi xa xa rồi mới dám chui vào quán. Mà cũng kỳ ghê, người dân đổ ra vỉa hè chỉ trỏ quan sát nhưng không ai nói gì.
Lần đầu ngồi máy bay nội địa siêu bé
Đã bé rồi lại còn có quả xe bus đủ combo Red – Hot – Spicy. Với một đứa sợ đồ cay nóng như mình thì chưa lên xe bus đã thấy nổi mụn rồi.
Lần đầu tiên thấy biển báo chuyến bay lớn như này
Sân bay quốc tế ở Delhi rất lớn, để di chuyển từ ga quốc nội đến quốc tế phải đi taxi hết kha khá tiền. Không khác gì đi từ Lotte ra Trung tâm Hội nghị quốc gia đâu (có khi còn xa hơn). Sân bay siêu rộng, đi mỏi chân mới đến được quầy check-in.
Đứng trước bảng led này, mình chợt nghĩ khi nào mới đi được 1/2 những địa danh trên đó? Nếu bây giờ lấy chồng sinh con tiếp thì những chuyến bay có ít đi và thưa hơn không? Mình còn muốn khám phá thêm nhiều nơi nữa, hay là…
Lần đầu tiên ngủ qua đêm trên bầu trời
Máy bay hạ cánh lúc 5 giờ sáng, bình minh đỏ rực. Sau hai chuyến bay liên tục siêu mỏi lưng thì mình đã về đến Việt Nam yêu thương của mình rồi.
(Không phải lần đầu) Hà Nội đón Trang bằng một bầu trời xanh tuyệt đẹp
Rời khỏi Việt Nam lúc hoàng hôn, trở về buổi bình minh. Nhưng dù là thời điểm nào thì trời cũng cao và trong vắt, mây bay lãng đãng. Đây cũng là tấm ảnh cuối khép lại hành trình với nhiều “lần đầu tiên” này của mình…
... ú oà mọi người đã bị lừa, thực ra đây mới là ảnh cuối nhé
Bụi trúc được trồng trong khuôn viên của ngôi chùa Việt Nam với tượng Phật siêu to. Sư thầy biết trong khuôn viên ấy, đứng ở đâu sẽ có ảnh đẹp, ngồi thiền chỗ nào là mát mẻ nhất. Hoá ra khi người ta thực yêu quý một nơi nào đó thì sẽ biết rõ từng cái đẹp qua những thứ rất bình thường.
Một chuyến đi với nhiều lần đầu tiên và cả những nỗi buồn khi nghĩ về quá khứ. Thành, trụ, hoại, không… vốn là quy luật tất yếu. Không có điều gì bất biến trong cuộc đời vô thường.
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.