Bác sĩ cũng là người!

38109 Views

(1718 chữ, 5 phút, 43 giây đọc)

Theo dõi những sự kiện tiêu cực về ngành Y suốt nhiều năm, mình tự hỏi: Tại sao y bác sĩ luôn là miếng mồi ngon cho dư luận? Theo mình, vì chúng ta có quá nhiều ảo tưởng về nghề bác sĩ nói riêng và nhân lực ngành Y nói chung.

Ta ghim mãi hình ảnh họ là thiên thần áo trắng. Nhưng thực tế, bác sĩ cũng-là-người.

1. Thiên thần thì thoát tục, bác sĩ phải tiêu tiền!

Phàm là người cõi trên, ai cũng tao nhã và không màng vật chất. Vì không có áp lực tài chính nên thiên thần cứ đủng đỉnh vậy thôi, mang hết sức lực vung vãi cho đời và không có nhu cầu đòi hỏi gì cả. Bác sĩ thì không.

Giống như tất cả nhân sự các ngành nghề khác, họ cũng có hàng tá hóa đơn phải trả đều đều. Thậm chí, “tiền” đối với họ là cả 1 gánh nặng. Học viên lớp tiếng Pháp của mình hầu hết là sinh viên Y, các bạn đều giản dị và tiết kiệm vì lý do quen thuộc: em làm gì có tiền đâu cô.

Trường Đại học nào cũng đầy những mệt mỏi, nhưng làm sao thấm với trường Y? Sinh viên ở đây vốn chỉ có 2 mùa – mùa ôn thi + mùa thi. Thời gian đâu mà đi làm thêm kiếm tiền?

Gần hết thanh xuân gửi lại nơi giảng đường, thư viện và những phòng bệnh, nhưng để ra nghề và có một công việc tốt, các bạn vẫn phải tiếp tục học lên cao. Và rất lâu, rất lâu sau đó nữa mới có những đồng lương (hy vọng là) xứng đáng. Rồi họ cũng sẽ có con nhỏ, có bố mẹ già, có những nỗi lo cơm áo. Chưa kể…

2. Thiên thần có phép tiên, bác sĩ phải chịu đựng!

Thiên thần luôn dịu dàng và nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói lẫn hành vi. Lý do ư? Vì họ có đũa thần, vẩy 1 cái là có thể bắt chúng ta im lặng hoặc đứng yên một chỗ. Bác sĩ thì không.

Trước một bài báo tố cáo sự “thiếu nhân tính” của đào tạo Y học bên Pháp, một bà Trưởng khoa đã trả lời rằng: “Chúng tôi không thể làm khác, sinh viên cần hiểu thế nào là sự khắc nghiệt của nghề Y. Họ cần rèn luyện rất nhiều về tâm lý.” Bởi vì sao?

Trưởng thành rồi, ai cũng chịu áp lực đồng thời của công việc và cuộc sống cá nhân. Nhưng gánh nặng đè lên vai bác sĩ đều lớn hơn hầu hết những ngành nghề khác. Thời gian bên gia đình ít ỏi, công việc căng thẳng cường độ cao và đòi hỏi họ phải học tập không ngừng.

Khi đi làm, họ cần xử lý những tình huống khẩn cấp lẫn oái oăm. Bác sĩ, nhân viên y tế phải tiếp xúc hàng trăm người mỗi ngày. Từ kẻ nhà giàu kệch cỡm đến người ít học. Từ thanh niên ngơ ngác đến cụ già lãng tai. Người lịch sự, hiểu biết và nhã nhặn có bao nhiêu? Trong khi kẻ thiếu kiên nhẫn và hống hách lại quá nhiều.

Có lần mình đi khám thai ở Viện Sản Trung ương, ngồi nhìn các cô các bà nói chuyện với âm lượng to hết cỡ, gác chân lên ghế. Y tá gọi 8 vạn lần không vào khám. Không tôn trọng người khác, không có ý thức nhưng lại bắt người ta phải 1 dạ 2 thưa và luôn tươi cười với mình?

3. Thiên thần thì bất tử, bác sĩ phải ra đi!

Tu luyện thành tiên thì ngày xuống Hoàng tuyền sẽ không còn nữa. Thiên thần biết mình sẽ bất tử nên tự do lượn lờ khắp chốn nhân gian. Bác sĩ thì không.

Khắc sâu lời thề Hippocrates và cái tâm của nghề, bác sĩ vẫn làm việc bao năm đâu cần ca ngợi. Nhưng suốt 2 năm chao đảo vì đại dịch cũng là ngần ấy thời gian bác sĩ, y tá vắt kiệt sức mình. Họ có sợ chết không? Có. Nhưng họ có trốn việc hay đình công không? Không!

Chữa bệnh cứu người, nhưng rồi bác sĩ cũng sẽ chết. Như mọi kiếp người. Và trong đại dịch, ngành Y đã có những mất mát. Tuy vậy, Giám đốc những bệnh viện lớn hay Hiệu trưởng các trường Y vẫn vừa khóc vừa gửi những đồng nghiệp và sinh viên của họ đi khắp những vùng dịch.

Ở tuyến đầu, họ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh. Vẫn là họ, lại ở tuyến cuối, cùng những tiếng kêu than. Thử hỏi, trong điều kiện làm việc đầy căng thẳng và nỗi đau như vậy, điều gì thứ thúc đẩy họ làm việc? Đó là trách nhiệm và lòng trắc ẩn – thứ tồn tại ở một con người. Tuyệt đối không phải dựa vào vài lời tung hô hay khen ngợi sáo rỗng.

Vì bác sĩ cũng là người nên hãy đối xử đúng cách với họ. Đừng trông chờ sự thánh thiện không tì vết, đừng đợi những nụ cười công nghiệp hay nguồn sức lực vô biên để phục vụ chúng ta. Ai cũng cần đóng góp chút gì đó để chống dịch, đâu chỉ có ngành Y.

Hy vọng rằng qua đại dịch, mỗi người đều ý thức rõ hơn về vai trò của ngành Y, thông cảm và trân trọng hơn những bác sĩ và nhân viên Y tế. Mong rằng họ sẽ được đãi ngộ xứng đáng và được nhìn nhận như một người bình thường. Được làm việc bằng cái tâm, được bao dung và tôn trọng. Dư luận xã hội đã đến lúc ngừng thói quen: “Ba năm xây chùa không ai biết, một viên gạch vỡ cả làng hay”.

Sau bao vất vả lẫn hiểm nguy, ngành Y vẫn cứ  là miếng mồi ngon cho cả xã hội xâu xé. Đến khi nào chúng ta mới hiểu: Bác sĩ cũng là người?

Phần 2: Không có chuyện nghề nào cũng như nhau

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

38 bình luận về “Bác sĩ cũng là người!”

  1. Quan điểm bài này rất là hợp lý đó cô. Bản thân em là bác sĩ, em hoàn toàn không thích khi ai đó nói về nhân viên y tế như thiên thần áo trắng, hay “mẹ hiền”, tất cả chỉ là những ngôn từ ảo của xã hội áp đặt, rồi vin vào đó để lý luận cho mọi công việc, hành động hay ứng xử của bác sĩ. Đây là chỉ là một nghề nghiệp như bao nghề khác trong xã hội. Đã làm việc ai cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ với công việc của mình, dù là ngành nghề nào. Có thu nhập tốt, có sự cân bằng giữa cho và nhận, có điều kiện làm việc hợp lý, là những điều duy nhất có ý nghĩa. Dù có dịch hay không có dịch, NVYT vẫn đối mặt với những nguy cơ trong công việc, ngoài Covid, lao, HIV, viêm gan B, … đều là những bệnh truyền nhiễm mà NVYT phải xử trí hay bị phơi nhiễm hàng ngày từ cả trước khi có dịch, nhưng em cảm thấy, cũng như công an phải đối mặt với tội phạm, thợ điện phải đối mặt với nguy cơ sửa điện, … thì bác sĩ cũng vậy. Cho nên chỉ cần được coi như một ngành bình thường và được tạo môi trường lao động chuyên nghiệp, phù hợp nhu cầu như bao ngành khác là đủ. Trong hoàn cảnh này, e nghĩ NVYT không cần mọi người phải cảm thông hay ca ngợi, đơn giản vì đây là công việc và trách nhiệm như họ vẫn làm, chống dịch không phải là hy sinh, chống dịch là công việc, như bác sĩ vẫn khám bệnh và điều trị mỗi ngày. Và công việc thì cần mức lương hợp lý, an toàn lao động và chế độ phù hợp. Chỉ cần vậy thì NVYT vẫn làm việc như công việc mà họ vẫn làm từ xưa đến giờ mà không cần bất kì đãi ngộ đặc biệt nào, hay chỉ vì điều kiện làm việc không tốt (nếu không phải nói là quá tệ) mà xin nghỉ nhưng còn bị chê trách, lên án và chèn ép. Vì thật ra, tất cả những cái mà người ta gọi là đãi ngộ đặc biệt với NVYT (thật ra là chỉ nói chứ còn chưa có thật) nó không hề đặc biệt như vậy mà nó chỉ là chính những điều kiện bình thường mà NVYT lẽ ra phải được nhận chứ không phải là điều gì được gọi là đãi ngộ cả. Em biết không chỉ ngành y mà còn nhiều ngành khác, như sư phạm, … cũng có những vấn đề tương tự. Và thật khó để mong có sự thay đổi …

    Bình luận
    • Chào Châu, cảm ơn em đã để lại comment rất dài và nhiều thông tin hay. Chia sẻ từ người trong cuộc cũng chân thực và khách quan hơn. Đúng là thay đổi rất khó, nhưng vẫn có thể. Vì vậy, chúng ta cùng cố gắng nhé. Mình sẽ thay đổi trước, chịu khó lên tiếng ( một cách lịch sự), phát biểu và giải thích những quan điểm chưa phù hợp để dần dần mọi người đều có cái nhìn công bằng, bình đẳng hơn. Cô thì cho rằng các bạn y bác sĩ khá là hiền, ít nói, không hay thanh minh giải thích. Cô quen ai học Y, làm ngành Y cũng đều nhẹ nhàng và khép kín, trầm tính. Như thế lại thành ra thiệt thòi. Nhưng không sao, ngày càng có nhiều người hiểu và cất lên tiếng nói để đấu tranh cho bình đẳng chung.

      Bình luận
      • Bài viết rất tuyệt, vời…tuy chưa lột tả hết những mất mát hy sinh vô bờ bến của những người thầy thuốc và nhân viên y tế….

        Bình luận
      • Bài viết hay và đậm đà hiện thực. Tôi tin là có rất nhiều đồng cảm. Nhưng tiếc thay những người có trách nhiệm lại tỏ ra vô trách nhiệm. Cố lên các bạn nhé. Chúng tôi hiểu các bạn và rất trân trọng sự đóng góp thầm lặng.

        Bình luận
    • Em rất thích tư tưởng chị đưa ra. Đừng coi bác sĩ là ” mẹ hiền ” xong rồi áp đặt các quy tắc ứng xử của “mẹ hiền” với “những đứa con hổ báo ” em xin chia sẻ cmt của chị được không ạ.

      Bình luận
      • Đọc bài viết này xong mình thấy rất cảm động và rất thương các y bác sỹ❤️. Không thể nào kể hết nổi tình yêu thương, sự vất vả của các
        y bác sỹ trong thời điểm này và sự sợ hãi của họ, họ cũng có người thân và gia đình đang lo lắng cho họ nhiều biết bao nhiêu, nhiều bác sỹ đã phải hy sinh vì cứu người❤️.Nhà mình có 4 người f0, ở nơi cách ly khác nhau, mỗi nơi các bác sỹ thường xuyên ghé thăm hỏi ạ. Và những bữa ăn cho bệnh nhân rất chu đáo ạ. Các bác sỹ animo! Animo! Animo!💪❤️❤️❤️

        Bình luận
  2. Bài viết rất hay. Khi XH, nhiều người có quá nhiều Quyền và tiền và họ lại giống như một người thiếu hiểu biết chỉ khi họ không Ăn, không uống, không thở được… các lỗ tự nhiên trên người họ không được thông họ mới tìm tới Y TẾ và đòi hỏi Mẹ Hiền như đứa trẻ chưa biết nghe lời.

    Bình luận
  3. BS mở phòng mạch hằng năm phải đóng thuế môn bài có nghĩa là xã hội xem nghề y như bao nghề kinh doanh khác , cũng chỉ là mua bán thôi Những từ như thiên thần áo trắng nghe sáo rỗng…

    Bình luận
  4. Tôi là Bác sĩ Quân Y, đã có 28 năm trong nghề, với nhiều cương vị công tác, chủ yếu là làm chuyên môn trực tiếp của ngành y. Có vài năm tham gia công tác đào tạo nhưng thấy không phù hợp vì nơi tôi công tác có cơ chế thị trường mục đích thu học phí nhưng chất lượng đào tạo quá kém – Do chút tự ái nghề nghiệp và cảm thấy mình đào tạo thế hệ sau mà chất lượng giả dối là có tội với nhiều người nên tôi xin quay lại làm bác sĩ điều trị, mặc dù sau sự việc đó ít nhiều liên quan đến “thân bại danh liệt ” gia đình tan vỡ sau này của tôi nhưng tôi không ân hận.
    Nói về ngành y tôi cho đây là bài viết hay, nên chia sẻ, cảm ơn người viết. Bản thân tôi cũng muốn tâm sự đôi điều.
    Như bài viết đã nói, học ngành y quá vất vả và tốn kém, sv ngành y có câu ” Sáu năm 11 lần thi, 1 lần tốt nghiệp còn gì là xuân “. Nói về học phí hiện nay những gia đình khá giả mới nuôi con theo đuổi ngành y được, các cháu hoàn cảnh khó khăn nuôi mơ ước trở thành bác sĩ là viễn vông.
    Sau này ra nghề đồng lương cơ bản là thấp,mặt bằng chung 6tr -> 10tr, nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp cao. Trừ một số ít xuất sắc /may mắn có nơi công tác tốt / đi theo chuyên khoa lẻ đang là hót thời bây giờ.. Thẩm mỹ, răng hàm mặt… Còn lại là tàng tàng ba cọc ba đồng.
    Rủi ro căng thẳng luôn rình rập không phải là mùa dịch cũng vậy. Bản thân đã nhiều lần đối diện cũng như nhìn thấy đồng nghiệp đối diện rủi ro như bài viết đã nêu. Chỉ xin nêu một ví dụ của bản thân :
    Hiện tại tôi đang phải cách ly do tham gia trực tiếp công tác chống dịch tuyến đầu, với nhiệm vụ cách ly phân loại Fo, F1,F2. Thực sự căng thẳng, may mắn là chưa mắc covid thôi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục cách ly các loại là gần 1 tháng nữa, như vậy là gần 2 tháng nay tôi phải sống cách biệt cộng đồng và gia đình, phải quên đi những sở thích bản thân, không có điều kiện tiếp xúc gia đình dạy dỗ con cái… Đổi lại là sự ghẻ lạnh.,cô đơn.
    Bây giờ là thời nào rồi mà nghe nhói trong tim khi vợ gọi điện kể chuyện ở nhà con bị kỳ thị. Lý do Ba đi chống dịch thằng bé 6 tuổi ở nhà chơi với các bạn trong xóm, mẹ đi làm về thấy con ngồi khóc một mình hỏi vì sao? – các bạn không cho con chơi, các bạn nói con là : Ba mày covid, mày cũng covid nên không được chơi – Bản thân chịu đựng được nhưng thấy con nhỏ bị tổn thương chỉ muốn bỏ về không tham gia nữa.
    Còn nhiều sự thật éo le hơn nhưng tôi chỉ xin một vài bình luận như vậy và một lần nữa cảm ơn sự chia sẻ của bài viết này.

    Bình luận
  5. Bài bạn viết thật hay về những chiến sĩ áo trắng!
    Cảm ơn bạn rất nhiều ví thấu hiểu sâu về nỗi vất vả của các nhân viên y tế nói chung và các BS nói riêng. Làm nghề gì
    cũng vậy, đại đa số đều tốt, ít nhiều còn tồn tại yếu kém hoặc quá kém, nghề Y không ngoại lệ!
    Bác sĩ cũng là người!
    Cảm ơn bạn nhiều! Kính!

    Bình luận
  6. Cảm ơn bạn vì bài viết rất hay, rất công tâm. Tôi tâm đắc với những điều bạn viết và ấn tượng với tiêu đề bài báo “ bác sĩ cũng là người” .

    Bình luận
  7. Bài viết rất hay! Mọi người cần đọc để cảm nhận hết mọi góc cạnh của vấn đề và có những ứng xử đúng mực với đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế. Lâu nay người ta quen nghe những lời tôn vinh ngành y với ngôn từ khoa đại , rỗng tuếch, chót lưỡi đầu môi( kiểu như những “ thiên thần áo trắng “), những hình ảnh ảo, những tình cảm không thật, nhất là vào Ngày Thầy thuốc VN 28-2! Trong khi đó, thực tế xã hội đã không quan tâm gì đến việc giúp họ nhận được sự đãi ngộ xứng đáng hơn với công lao họ đóng góp cho xã hội! Người ta bằng lòng với những lời tôn vinh rỗng và giả dối, nặng tính cách tuyên truyền và coi thế là xong, là đủ! Rồi khi đại dịch xảy ra, các bác sĩ, NVYT lại lao vào công tác, với bao thử thách nguy hiểm khó khăn… , mà không được quan tâm , hỗ trợ… Thành ra mới có những ý kiến nông cạn phân tích khôi hài, vô tâm về các bác sĩ về ngành y như kiều ông Đào Trọng San(?), như nội dung công văn đe dọa tước quyền hành nghề … rất phản cảm phản tác dụng của một ông quan chức cao ngành y tế(!)…
    Mong rằng các ông ấy và nhiều người khác sẽ đọc kỹ bài viết này để thấy rõ hơn hiểu rõ hơn trách nhiệm của chính mình… để không còn những phát ngôn hay hành xử thiếu cân nhắc, không thấu tình đạt lý…

    Bình luận
  8. Bài việc rất hay. Tuy vậy bạn cần viết sâu sắc hơn. Người làm trong nghành y hầu như chưa ai nói về cái vất vả thiệt thòi của mình. Họ cứ đòi hỏi phải hy sinh, nhưng cái hy sinh của họ lại không được ghi nhận. Bạn hãy nói giúp họ điều này!

    Bình luận
    • Đây cũng là điều em suy nghĩ khi có đọc vài comment nói rằng “nghề nào cũng NHƯ NHAU” :)) bác sĩ, giáo viên thì có gì ghê gớm đâu mà phải đòi được công nhận? Em đọc xong cảm thấy nóng mặt ý ạ 😛 công bằng chứ không thể cào bằng

      Bình luận
  9. Nghề nào cũng cần thiết, cũng đáng được tôn vinh. Nghề dọn quét đường cũng cần được trân trọng. Nghề y và thầy giáo có thể đề cao hơn nghề khác chăng? Không thể! Mặc dù gia đình tôi theo nghiệp y, dược, giáo đã bao đời nay, nhưng chưa bao giờ có ai trong nhà coi nghê của gia đình mình cao. Chỉ là một nghề kiếm sống với trách nghiệm và quyền lợi của nó. Có một truyện cười trong kho tàng dân gian, về việc chọn thầy lang chữa bệnh: “khổ chủ đi rước về 1 thầy, trước cổng chỉ có một con ma. Ai dè, ông thầy đó, mới ra lò được mỗi một hôm”. Nghê y, cầm trong tay sinh mạng người khác, nên có trách nhiệm cao, được trả công cao, và cũng bị xã hội đòi hỏi cao. Làm việc quần quật khi cấp cứu, có dịch…là đặc thù của nghề y. Không thể lấy việc này để phong thánh cho họ. Họ cũng không thể vì thế kêu gào tăng lương, bởi lúc họ nhàn thì sao??? Nếu ví chống dịch như đánh giặc, có dịch vất vả quá, bỏ việc…như mới xẩy ra gần đây, và bị thứ trưởng trừng trị, thì đúng quá! Có khác gì họ đào ngũ đâu? Ở chiến trường, đào ngũ bị bắn ngay tại chỗ. Tiêu cực trong nghê y có, có nhiêu, Không ít hơn tiêu cực trong các ngành nghề khác. Tất nhiê,cũng không nhiều hơn: Xã hội, kỷ cương pháp luật sinh ra tiêu cực. Nghê y, nghề giáo nằm trong xã hội, không thể khác được. Thế nên, đừng lên án cán bộ nghề y. nghề giáo: Họ cũng chỉ là những con người bình thường như bao người khác thôi. Không hề hơn, chẳng hề kém. Họ phạm lỗi thì theo luật mà xử. Có vậy thôi. Phải không các bạn?

    Bình luận
    • Dạ, em đồng ý một phần với bình luận của anh. Mọi con người đều cần hưởng sự công bằng, nhưng sẽ không có giá trị tuyệt đối. Công bằng nhưng không được cào bằng. Nghề quét rác cũng cần thiết, nhưng giá trị đóng góp KHÔNG CAO cho xã hội. Dù anh có muốn thừa nhận hay không, thì 1 ngày cả nước không quét rác, đường phố chỉ bẩn thêm và xấu thêm. Nhưng 1 ngày NVYT và bác sĩ đình công, thì hàng nghìn người chết. Đấy mới là vấn đề. Viêc các anh chị tôn trọng tất cả các công việc chân chính là điều nên làm, em cũng vậy. Nhưng em không đồng ý việc cào bằng là công viêc nào cũng NHƯ NHAU. Chúng ta cùng là người, nhưng thật sự công việc của ngành Y và Giáo dục có trách nhiệm lớn hơn và nhiều gian khổ hơn. Ngay từ viêc học để trở thành bác sĩ, giáo viên đúng nghĩa đã quá khó khăn rồi. Vì vậy, chúng ta cần được đánh giá và nhìn nhận đúng mực ạ. Không nên áp đặt bác sĩ là thiên thần, cô giáo như mẹ hiền, vì thiên thần rồi cũng gãy cánh mà mẹ hiền cũng có lúc hóa ác vì con hư. Chúng ta là NGƯỜI LAO ĐỘNG, và mỗi công viêc lại đóng góp 1 phần lớn nhỏ vào sự phát triển của xã hội này.

      Bình luận
      • Câu trả lời tuyệt vời!
        Nếu coi các nghê như nhau thì đưng gắn cho họ các mỹ từ trách nhiệm ” thiên thần” ” mẹ hiền” “anh hùng”… đẻ rang buộc họ và tạo dư luận lên án họ để phải hy sinh bản thân khi những an toàn nghề nghiệp k được cung ứng, khi đời sống chinh họ và gia đình họ k dược bảo đảm chưa nói đến đãi ngộ trong tình cảnh lao dộng nguy hiểm và khắc nghiệt của mùa đaij dịch. Vậy việc tước CCHN là đúng hay sai khi ngay từ đầu mượn 2 từ “tình nguỵen” tham gia dể ép họ làm sai chuyên ngành được ban hanh ngay trong CCHN? Ban @Trần Dưong đã lẫn lồn quá nhiều khái niệm. Nếu họ nghỉ đúng luật vi không thể trụ nổi thì cũng như bao công việc khác thôi, sao lại bị tước CCHN Và xử phạt? Còn việc đào ngũ khi chiến tranh xảy ra được quy định rõ ràng ngay từ đâu theo quân luật nhé bạn. Chống dịch khoing phải la chiến tranh và khong phải la chống giặc. Y tế là 1 nganh nghê binh thương thi k đem so sanh với quân luật được. Hơi bị sai!

        Bình luận
    • Tôi nghĩ anh không biết gì về Y học(xin lỗi Tui không muốn dùng từ Nghề hay Nghành Y,vì đó là bao quát quá).
      Để phân tích quan niệm trên của chính anh,tôi nghĩ :
      -Anh hay cho con anh đi thi vô Trường Y đi,rồi sau đó anh hãy phát biểu những ý “thiên kiến-Bias” thế kia về sự “tôn vinh” hay “cũng bình thuờng” kia.
      Thi vô đã là “chót vót điểm”
      Khi học đã cày ngày BV trưa giảng đường tối đi trực…
      Đi làm phải “giữ thân” kèm luôn nâng cấp chuyên môn “bằng chính đồng tiền ít ỏi mình có khi đi làm”,chính sách lương bổng thì bảo đảm 10 năm này không đủ trả cho tiền học phí trước giờ.
      Thì khi ấy,anh có mà “phách tướng” nói kiểu trên nữa kg,tui sẽ phục anh.
      -Làm Y học,không chỉ là làm chuyên môn tức chỉ Điều trị vài ca hay trong khuôn khổ BV.Mà là dân học thuật khoa học còn phải không nổ lực học hỏi và NGHIÊN CỨU,đấy cũng là nhiệm vụ họ phải làm tròn.Muốn thế,họ phải đủ điều kiện để thực hiện ,mà họ yên tâm nghiên cứu khách quan nhất.
      Không thể “cơm áo gạo tiền” sáng chiều lo ăn lo mặc cho mình và gia đình, thì thời gian đâu nghiên cứu.
      Mà không NCKH thì hậu quả không Viện Khoa học-nghiên cứu làm giải bài toán “dự phòng” trước các loại bệnh hay Dịch như bây giờ.Khi đó,hậu quả Đất nước và BV chỉ biết được bệnh càng nhiều,hao tổn thời gian của người dân,sức khoẻ suy giảm và Tiềm lực con người sẽ không phát huy hết được.
      Đấy là cái THIỆT(lỗ) to lớn đấy anh ạ.
      Chỉ có Y học Dự phòng và Chăm sóc Súc khoẻ cộng đồng lâu dài mới là phương châm đúng cho tương lai.
      Chứ Bs chỉ lo “giải quyết bài toán” hậu quả từng ca bệnh thì Thế giới ta đang tụt hậu.
      Đấy là cái cốt lõi tui muốn bổ sung thêm cho những comments ở trên.
      BS không ai muốn “tôn vinh” là Thiên thần,hay Lương như Từ mẫu chi cả.
      Cái họ luôn muốn đó là sự Công bằng chứ không phải đồ bằng.
      P/s: Còn v/đ anh nói “bắn bỏ”,anh quá là võ biền.Bắn 01 anh lính quân ngũ 2-3 nămà anh so với 01 vị đào tạo 6-8 năm.Hậu quả 45 năm qua VNta có thành nước Công nghiệp hoá cũng từ những thế hệ tư tưởng như anh.Như ông Hồ còn biết trọng dân Trí thức,chứ như anh cho lên làm Lãnh đạo thì ĐN sẽ đi đâu?
      Còn anh không cho họ “giải giáp” phụng sự cơ quan Nhà nước(tức xin Nghỉ),đó cũng chỉ là Quy luật Thị trường,anh trọng dụng lương thoả đáng tôi ký HĐ làm tiếp.Nay NVYT kg làm NN,họ ra cũng làm Tư nhân hay làm tại nhà vì họ có Chuyên môn họ có CCHN và học nhiệt huyết phụng sự Người dân địa phương như Tư vấn mùa dịch hay tham gia các Hội thiện nguyện khác.Sao anh nghĩ “tước CCHN họ,anh đạp lên cả Luật Lao động ư?
      Cớ sao anh nghĩ họ “đào ngủ” qua phe địch cắn lại dân à? Anh cho tui ví dụ hay bằng chứng nào coi(!).
      Tui nực cười kiểu suy nghĩ duy ý chí và định kiến quá đấy.
      Đây là vài dòng góp ý cùng topic.
      Cám ơn chủ top có cách đưa vấn đề và cách giải quyết “từ từ chuyển biến dần” rất hợp lý.
      Có 01 BS Hồi sức tại Hà Nội đã ra cuốn sách: “Hãy để Bác sĩ tui Hiền”.
      Còn quan niệm tui,sau 20 năm làm nghề Y, tôi cho rằng:
      “Bác sĩ thì cần hiền,nhưng không được ĐẦN”.

      Bình luận
  10. Tôi thấy bài viết hay, đã lột tả hết nỗi vất vả cũng như sự hy sinh thầm lặng của nghề Y ( Bs. Nvyt). Tuy nhiên, không phải sự tôn vinh và ghi nhận lúc nào cũng là sáo rỗng, là chót lưỡi đầu môi…! Tất nhiên cơ chế, chính sách và chế độ đối đãi ngộ với nghề Y rất cần được sớm điều chỉnh cho tương xứng với công sức và đòi hỏi của xã hội. Tôi tin trong xã hội có rất rất nhiều người, trong đó có TG bài viết và tôi luôn biết ơn với lòng kính trọng và thực sự ngưỡng mộ sự cao quý của nghề Y (không chỉ khi có đại dịch xẩy ra). Xin trân trọng cảm ơn các bác sỹ và toàn thể đội ngũ công y tế.

    Bình luận
  11. Bác sĩ không là người thì là gì.Chúc mừng bạn đã hiểu được điều đó, khi chọn ngành y ban đã đã đưa ra lời thề Hypograd hãy sông trọn với lời thề đó hoăc không thì hãy chọn việc mình thích hơn để làm, gì cũng được miễn có lòng đam mê thì mọi việc sẽ qua hết, không nên sống bằng cảm xúc tiêu cực của người khác, họ đối xử với mọi người đều tiêu cưc, hãy sông với lòng yêu thương và đam mê của chính mình chúc bạn sẽ luôn an lạc.

    Bình luận
  12. Tôi rất tâm đắc với bài viết, bác sĩ cũng là người đó là điều không ai chối cải được, nhưng với ngành Y không phải ai vào học rồi cũng ra trường một cách dễ dàng đâu,, đã vào được đã khó nhưng khi ra trường lại còn khó khăn hơn, đòi hỏi phải có nghị lực đam mê mới có thể vượt qua được, khi ra trường tốt nghiệp rồi cũng còn phải thử thách tay nghề rồi học tiếp chuyện Khoa… Vvv.. Bởi vậy người làm ngành Y không đơn giản chút nào, không chỉ giỏi về chuyên môn nhưng phải là người có tâm, đức nữa ….Tôi rất cảm nghành y trong chiến dịch này biết bao người hy sinh vì nhân dân vì đất nước

    Bình luận
  13. Một bài viết hay về những người hành nghề y.
    Hay tuyệt hơn nữa khi tác giả của viết bài này không phải là người khoác chiếc áo blouse trắng.
    Mà chiếc áo choàng đó có khi được ca tụng trắng tinh như hình ảnh “thiên thần”, nhưng cũng không ít lần bị vò xé nát nhàu như… miếng giẻ rách.
    Chúng tôi, những người hằng ngày khoác chiếc áo đó làm việc, cũng như bao đồng phục của những ngành nghề khác, chẳng mong chi được xem là “thiên thần áo trắng”, chỉ cầu mong sao mỗi một ngày làm việc trôi qua bình thường và hiệu quả không tồi, không xảy ra sự cố không may nào để bị coi là… “miếng giẻ rách”. Vậy là mừng là vui rồi!
    Cám ơn tác giả đã nói hộ cho chúng tôi: Chúng tôi cũng chỉ là người như bao người!

    Bình luận
  14. Trước khi góp lời vào bài này, cho tôi được Thành kính phân ưu cùng gia đình , người thân của các y bác sĩ đã ra đi trong đợt chống dịch này, đồng thời gửi lời biết ơn sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ nvyt trên tuyến đầu chống dịch , cầu nguyện cho các anh , chị em luôn sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
    Thưa các vị, tôi là một thầy thuốc , là một y sĩ.. cái nghề này khg phải do tôi chọn từ trước , sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế ngành quản trị kinh doanh tôi làm việc qua hai công ty lớn và thu nhập cũng kha khá , tuy nhiên trong thời gian này ba tôi đổ bệnh … Đã chạy chữa khắp nơi , từ Đã Nẵng đến tp hcm ( bv cr), các bác sĩ đều bó tay, bác sĩ bảo “bệnh ông khg chữa được , về nhà đi … “Khg chấp nhận như vậy , tôi lao vào nghiên cứu ,học để chữa bệnh cho ba tôi… Và sau 2 năm , ba tôi đã khỏi bệnh , vì nghỉ giữa chừng nên tôi khg quay lại công việc , mà tiếp tục công việc nghề y , đến nay cũng đã 10 năm trong nghề… Nói như thế để biết là nghề y với tôi là bất đắc dĩ … Tuy nhiên , tôi có những khái niệm khg giống chị Huyền Trang hay Binh càng khg giống a Trần Dương…
    Các bạn nói nghề y cũng như mọi nghề khác …Khg sai , cũng là một nghề nhưng là một nghề đặc biệt , là nghề sửa chữa, bảo trì sức khoẻ , bảo tồn mạng sống cho con người ( mà mạng sống con người là thiên liêng nhất của đời người , con người là cao quí nhất , là tâm linh nhất trên trái đất này) . Chính vì sự đặc biệt đó mà những y bác sĩ , nvyt( nhân viên y tế) ngoài việc phải chịu chi phối bỡi luật xã hội , còn phải chịu ràng buộc bỡi những nguyên tắc , những điều lệ , những qui định gọi là Y ĐỨC.. Những y đức đó được xây dựng trên nền tảng đạo đức , phong tục tập quán của mõi quốc gia, và cả thế giớ cũng vậy … Thế giớ có 17 QUI ƯỚC ĐẠO ĐỨC NGÀNH Y_ HIỆP HỘI Y KHOA THẾ GIỚ , Mỹ có 9 NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC Y KHOA_ HIỆP HỘI Y KHOA MỸ, Việt Nam ta có 12 ĐIỀU Y ĐỨC_ TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC Y TẾ…, lại có 8 mục và 29 điều khoản về CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIÊN… Xem ra vẫn nhẹ hơn 9 ĐIỀU Y HUẤN CÁCH NGÔN _ HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG , và nhẹ nhiều lần so với 8 GHI NHỚ trong môn phái Y NĂNG LƯỢNG .
    Chúng ta chọn ngành y là lựa chọn cho mình một cái nghề ,và cũng chọn cho mình một cách sống ( ngoại trừ những người chọn nhầm nghề, những ai chọn nhầm nghề tôi khuyên nên chọn lại ) , và để làm tốt được công việc của một BÁC SĨ thì cần một người ở HÀNG SĨ …
    Người HÀNG SĨ là người thế náo ? Sĩ phu là những người có học vấn yên BÁC … là BÁC SĨ , chưa hết chữ SĨ còn có khái niệm là người có nhân cách sống cao thượng, giàu lòng nhân ái , yêu thích sự công bằng , giúp đỡ người yếu thế chống lại cái ác và bất công , không tham danh lợi, … Dù ở tầng lớp nào của xã hội, nếu có được phẩm chất như vậy đều gọi là SĨ… ( Người ăn xin nhưng có nhân cách tốt cũng được gọi là KHẤT SĨ ..). Tại sao phải đòi hỏi người bác sĩ phải có phẩm chất cao và như vậy họ có cố gắng được khg ? Xin trả lời là họ làm tốt và khg cần cố gắng. Vì sao ? tôi nhớ có câu danh ngôn .. ” Nếu chọn được đúng nghề mình thích , thì cả đời không phải làm việc ngày nào ” … Khi mình yêu nghề thì sự đam mê trỗi dậy ,và những gì người khác cho là chứng ngại thì mình vẫn khg thấy khó khăn .. và những gì mà các bác sĩ chân chính làm được , xã hội sẽ tự tôn vinh là những thiên thần … Khg quá chút nào hết , người đời có thể tôn ai đó lên tận mây nếu anh làm tốt, và cũng vùi xuống bùn nếu a có những hành vi xấu xa , đó là điều bình thường … Vậy cứ tập trung làm tốt việc của mình , làm thế nào để bn của mình khỏi bệnh nhanh nhất và ít tốn kém nhất , khg lấy những lời khen để cao ngạo và tự tôn , biết lắng nghe lời chê trách để khắc phục mình … ( Tôi luôn nhớ câu : những lời khen chỉ là đường mật , những điều chê mới đáng giá ngàn vàng .. ) , cứ thế mà hoàn thiện mình .. . Người đời có quyền áp đặc mình phải thánh thiện vì mình đã chọn nghề BÁC SĨ
    Chứ SĨ nằm ở đâu trong xh phong kiến , các bạn xem …. Vương ,Hầu ,Khanh, Tước , SĨ , Nông , Công , Thương, Ngư , Tiều , Canh , Mục.. Sĩ nằm giữa , trên là tầng quyền lực , dưới là tầng yếu thế… Vì thế kẻ SĨ phải biết giúp đỡ người dưới yếu thế , và chống trả sự bất công của phái quyền lực .. Quay lại vấn đề , đừng đánh đồng nghề nghiệp thầy giáo , bác sĩ với các nghề khác , tuy là một nghề nhưng đây là nghề đặc biệt , họ mang trọng trách rất lớn với xã hội , họ chọn công việc đó vì họ là con người của HÀNG SĨ chứ khg phải con người khác vào làm công việc bác sĩ..
    Còn ‘ Binh’ cho là chống dịch khg phải là giặc nên khg so sánh với quân luật …. Sai quá , thứ nhất a khg phải bác sĩ vì nếu là bác sĩ đã học được 12 điều y đức , thứ 2 .. giặc là gì? Ngày xưa để đẩy lùi mù chữ … Trong phong trào bình dân học vụ ,còn gọi là chống giậc dốt …
    Anh ‘ Trần Dương ‘ lại nói ngành nào khg tiêu cực nên cho là tiêu cực trong y tế hay giáo dục là bình thường … Một điều đáng xấu hổ và thương tâm là có những người như a nên đất nước này mới bại hoại như thế và khg bao giờ có sự công bằng và văn minh.( Những điều tồi tệ trong ngành y , tôi nghĩ là những kẻ đã chọn sai nghề, và tôi cũng khg muốn nói ra ở đây)
    Điều đáng tiếc cho ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay chỉ vì lợi nhuận , nên học phí thì cao , mà sản phẩm thì ngày càng tồi cả về tay nghề cũng như đạo đức, chỉ biết hy vọng sẽ có những lãnh đạo sáng suốt , thật sự có tài có đức để chấn chỉnh lại trong việc giáo dục và đào tạo …Xin cảm ơn mọi người đã đọc!

    Bình luận
    • Cảm ơn comment rất dài và tâm huyết của anh. Em chỉ nói bác sĩ cũng là NGƯỜI, còn nghề Y vốn nhiều trách nhiệm & đóng góp nhiều giá trị cho xã hội. Đối với em thì người lao động nào cũng là NGƯỜI chứ không phải THÁNH THẦN, vì vậy hãy đối xử với họ giống 1 con người. Còn mỗi 1 nghề nghiệp sẽ có vai trò riêng trong xã hội. Không có chuyện nghề nào cũng GIỐNG NHAU hoặc NHƯ NHAU.

      Bình luận
  15. Kg BS CHÂU.Tôi cũng có quan niệm giống như BS là xem nghành Y cũng như những ngành nghề khác nhưng trong thâm tâm Tôi vẫn dành một sự trân trọng và ngưỡng mộ cho những người làm nghề này đặt biệt là những BS đã làm trọn vẹn những lời thề trước Hippocrates….Xin cám ơn.

    Bình luận
  16. Đồng quan điểm với chị. Ngày trước tôi k thích ai nói câu “lương y…” giờ tôi rất ghét ai nói nvyt là thiên thần. Khi chửi họ đem ra chửi thậm tệ. Khi khen tôi thấy nó mỉa mai làm sao đâu. Nghề y cũng là một nghề như bao nghề khác thôi.

    Bình luận
  17. ĐÔI ĐIỀU KHI XEM BỘ PHIM “RANH GIỚI”
    TTUT-BsCK1 Lê Lợi.
    Tối 08/9/2021, VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự “Ranh giới” được quay trực tiếp tại khu cấp cứu đặc biệt dành cho các sản phụ bị mắc virus Wuhan ở Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh).
    Rất nhiều người đã xem và phản hồi đa chiều nhưng phần lớn là đồng cảm và thương ngành Y tế bởi “Ranh giới” giúp người ta nhận ra, hiểu hơn là nhân viên y tế vất vả thế nào, phải hi sinh ra sao trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân đặc biệt trong đại dịch Sars-Covy 2. Dù vậy, vẫn có ý kiến trái chiều, xin phép được trích dẫn trên Facebook, ví dụ như của Đ.T, nguyên văn “Nói lên dc 1 phần Cv của NVYT tuyến đầu nhưng lại phản khoa học vi phạm vô khuẩn Bv đặc biệt vác máy quay vào tận giường ICU ko chấp nhận dc, ngoài ta vi phạm đạo đức…Một CTrinh tồi tệ!” (Thứ Sáu, 10/9/2021, lúc 06h46).
    Hoặc ngay cả một bác sĩ có đông người theo dõi trên mạng xã hội cũng cho rằng “không đúng, nên xem lại” bởi những thai phụ mắc COVID-19 đang đau khổ, hoảng sợ thì cần được bảo vệ…
    Một số người xem lo rằng khi phóng viên đưa máy quay vào phòng vô trùng để tác nghiệp là “phản khoa học” tuy nhiên chắc rằng trước khi đưa máy quay vào thì bệnh viện đã yêu cầu khử khuẩn để giữ vô trùng. Nếu không đưa máy quay vào để quay trực tiếp thì làm sao gần trăm triệu người dân Việt ta (có thể có cả lãnh đạo cấp cao nhất) được thấy không khí làm việc căng thẳng, áp lực nặng nề đến từ mọi phía đè nặng lên nhân viên y tế, những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý…trên tuyến đầu chống dịch. Đây là cảnh thật, người thật, việc thật trong bầu không khí hối hả khác hẳn với từ trước đến giờ, chúng ta chỉ được xem những cảnh quay đã được dàn dựng trước theo chỉ đạo để phục vụ tuyên truyền.
    Thế còn việc có người cho rằng không làm mờ mặt nhân vật, là thiếu nhân văn, là vi phạm một số trong số các quyền nhân thân? Chắc là đạo diễn phim cũng chả dại gì để hứng gạch đá từ cộng đồng và từ chính người bệnh cũng như nhân thân của họ. Lưu ý rằng, trong phóng sự cả 4 thai phụ quay cận mặt đều tỉnh táo, nói chuyện với bác sĩ và hẳn rằng họ mong mỏi những thước phim được phát sóng để góp phần phòng chống dịch Covid. Có thể nói đội ngũ Y, Bác sĩ, ê-kíp làm phim và đặc biệt là những người bệnh cận kề với cái chết thật sự dũng cảm trong “Ranh giới”.
    Có những cảnh quay mà tôi chắc rằng sẽ còn ám ảnh mãi với người xem, đó là lúc bác sĩ điện thoại cho người nhà thai phụ báo phải phẫu thuật bỏ thai nhi mới 21 tuần để cứu người mẹ. Những khuôn mặt buồn bã, tiếc nuối, thẫn thờ, thất vọng và mỏi mệt của các thầy thuốc khi cảnh cô gái chết với bảng đo nhịp thở, huyết áp tụt xuống con số 0. Không thất vọng và tiếc nuối làm sao được khi mà đội ngũ Y tế thiếu cả phương tiện, dụng cụ thiết yếu, thiếu thuốc và vật tư y tế, thiếu cả nhân lực. Tính đến 1/9/2021, Bệnh viện Hùng Vương có 125 nhân viên y tế nhiễm dịch. Tổ quản trị 12 người đã có 10 người phơi nhiễm, nhưng vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ. Bác sĩ, điều dưỡng nhiễm bệnh, chỉ sau ba tuần điều trị và cách ly, họ đã trở lại vị trí của họ tiếp tục làm nhiệm vụ…
    Theo thống kê, khu K1 là tầng 4 trong thang điều trị 5 tầng (nơi thực hiện phóng sự) thì từ 30/5/2021 đến 1/9/2021, tiếp nhận 861 bệnh nhân, có 5 người tử vong, 57 người phải chuyển sang “tầng 5” (chăm sóc đặc biệt) do tình trạng nguy kịch còn lại 804 sản phụ vẫn “mẹ tròn, con vuông”, đây quả thật là kỳ tích của đội ngũ y bác sĩ, họ đã vượt qua mọi khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong việc giành lại sự sống cho những người sản phụ bị nhiễm Sars-Covy 2.
    Cũng theo thống kê hiện đã có hơn 2.000 nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19, ba người đã tử vong.
    Tại TP Hồ Chí Minh, nhân viên y tế liên tục phải làm việc từ 8-10 tiếng/ngày và không có khoảng thời gian nào trống để tạm nghỉ ngơi, không ít người phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày! Tại các phòng hồi sức cấp cứu, nhân viên y tế phải làm với công suất gấp từ 4-5 lần khoa khác, có nghĩa là cường độ làm việc như 24 giờ/ngày. Trung bình mỗi nhân viên y tế phải phục vụ từ 140-150 bệnh nhân nhiễm COVID-19/người. Về chuyện ăn, uống thì các suất ăn là 120.000 đồng/ngày nhưng trên FB lan truyền những hình ảnh suất cơm hộp không có mấy thức ăn và không dễ ăn! Có nơi còn để nhân viên y tế ăn suất ăn thiện nguyện. Có việc cần ra ngoài nhân viên y tế còn bị lực lượng chốt chặn bên ngoài bệnh viện hoạch họe, khám xét cứ như là sợ họ chứa con virus corona trong túi mang ra ngoài phát tán?
    Vậy, lực lượng nào có nguy cơ nhiễm cao nhất?
    Các đây mấy ngày, một bài viết trên FB của nhà báo NNP, một cây viết có nhiều người theo dõi có tiêu đề “Thấy gì qua con số này? 6 tháng 9 lúc 08:32. Ông cho rằng “Hơn 2000 cán bộ chiến sĩ công an bị FO, 10 sĩ quan đã hy sinh vì con Cô-vít, đã hàng chục cán bộ CA bị thương vì những đối tượng chống người thi hành công vụ…lực lượng CA là sát dân nhất, gần dân nhất, và luôn phải có mặt ở những nơi nóng nhất, nguy cơ nhiễm cao nhất… cho nên tỷ lệ cán bộ chiến sĩ CA bị nhiễm có lẽ cũng cao nhất so với các lực lượng khác”. (Trích nguyên văn).
    Không cần bàn luận nhiều, có lẽ sau khi xem “Ranh giới” thì mọi người đã hiểu và nhận ra, nhân viên y tế vất vả thế nào, phải hi sinh ra sao. Y, Bác sĩ cũng là con người, họ cũng có gia đình riêng, họ cũng muốn việc nhàn hạ mà thu nhập cao để lo cho bản thân và gia đình, họ cũng muốn ở tuyến sau để mà không bị nhiễm bệnh. Vậy mà chế độ đãi ngộ của ngành Y bao nhiêu năm nay vẫn ở tốp cuối. Thử so sánh thế này, cùng học đại học trong khi phần lớn chỉ học 4 năm thì muốn có bằng bác sĩ phải 6 năm, nếu được tuyển dụng thì bậc lương khởi điểm như nhau, là 2,34 (bậc 1). Nhưng ngành y lại có đặc thù của nó. Muốn được nhận vào làm phải học tiếp ít nhất 6-10 tháng gọi là chuyên khoa sơ bộ hoặc định hướng, sau đó phải học chuyên khoa 1 thêm hai năm nữa, chuyên khoa 2 thêm 2-3 năm mới làm tốt công việc, hoặc học thêm hai năm thạc sĩ, 3-4 năm tiến sĩ…Đối tượng của bác sĩ cũng đặc biệt, đó là con người. Khám, điều trị khỏi bệnh 999 người ít được khen mà mọi người sẽ nói: đấy là việc của bác sĩ phải làm thế nhưng nếu sa sẩy 1 trường hợp có thể phải vào tù…Vậy mà nói về chính sách đãi ngộ cho ngành Y, lời phát biểu của vị đại biểu quốc hội, Gs Đào Trọng Thi “Bác sỹ không phải là thiên tài mà đòi hỏi đãi ngộ đặc biệt” cách đây ít năm như gáo nước lạnh dội vào nhân viên y tế…
    Là người trong nghề, tôi cho rằng, thực tế ở khu K1, bệnh viện Hùng Vương và ở hầu hết các cơ sở Y tế của chúng ta còn khốc liệt hơn thế bởi sự thiếu thốn cả vật tư trang thiết bị y tế và cả nhân lực ngành y mà chưa thể hoặc không thể đưa vào những thước phim đến được người xem. Chúng ta mới chỉ xem được phần nổi của tảng băng trôi mà thôi.
    Bộ phim còn đặc biệt ở chỗ, không có lời bình như thường thấy ở các bộ phim khác mà chỉ có tiếng nhân viên y tế hối hả và gấp gáp trao đổi trong những phút chạy đua giành lại sự sống. Monitor, máy đo nhịp tim, huyết áp, tiếng chuông báo động… hình ảnh người bệnh dần tới phút xa rời bỏ sự sống trong không gian căng thẳng, bức bối đến nghẹt thở. Và hình ảnh cuối là nụ cười của một nữ bệnh nhân khi ước mong được về gặp chồng con cùng với đó là cảnh chiếc xe đẩy hai đứa bé sinh đôi làm chúng ta tin vào ngày mai tươi sáng.
    Gần 40 năm trước, vào năm 1982 bộ phim tài liệu xuất sắc “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy người Nam Định ra đời nhưng bị cấm chiếu đến tận năm 1987 mới được chiếu rộng rãi nhờ sự can thiệp của những người lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước. Bộ phim như quả bom, mở đầu cho thời kỳ “đổi mới” của Việt Nam. Sau gần 40 năm, tôi tin rằng phim tài liệu “Ranh Giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sẽ tiếp nối “Hà Nội trong mắt ai” để lại nhiều ám ảnh cho người xem bởi đưa được hình ảnh chân thực nhân viên y tế ở ranh giới của sự chịu đựng, ranh giới của sự cố gắng tột cùng, ranh giới của sự chia ly và ranh giới của sinh tử ở thời điểm cả thế giới đang vật lộn với đại dịch Sars-Covy2.
    Năm 2003 có 6 nhân viên y tế ở bệnh viện Việt-Pháp (4 y, bác sĩ người Việt và 2 bác sĩ người Pháp) tử vong, đây là những người trực tiếp tiếp xúc, khám và điều trị cho các bệnh nhân trong đại dịch Sars. Từ 2020 đến nay, đã có rất nhiều nhân viên y tế bị nhiễm virus Wuhan, có người ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. Và còn hàng trăm ngàn nhân viên y tế ở các cơ sở điều trị đang ngày đêm trực tiếp tiếp xúc với người bệnh để khám, điều trị cho họ, nhằm giảm thiểu thấp nhất tử vong do Sars-Covy2. Có thể khẳng định, họ-nhân viên y tế dám chết cho nhân loại được sống.
    Ps: Viết đến đây nhận được thông tin từ người đồng nghiệp ở TP.HCM qua FB, xin được coppy nguyên văn và chia sẻ:
    Huỳnh Thu Sang
    “Lại 1 đồng nghiệp nữa của mình đã ra đi vì Covid, anh ấy cùng tên mình (BS Võ Nguyên Trường Sang) chỉ hơn mình 2 tuổi thôi, 1 người Bs vui nhộn hoà đồng, lúc mình nhảy múa anh ấy cũng nhiệt tình ra nhảy chung và cũng chụp cho mình nhiều ảnh lắm, giờ anh đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 60 vẫn đang ngời ngời sức sống. Bs tự điều trị tại nhà, diễn biến nhanh quá, gọi nhờ đồng nghiệp không được, anh tự chạy xe máy đến sân Bv thì ngã gục, đơn thuốc anh tự đặt mua bên dưới. Anh để lại cho gia đình bạn bè và người ở lại những giọt nước mắt buồn đau, cầu mong anh siêu thoát”.

    Bình luận
  18. Bài viết rất hay , rất sâu sắc . Nhưng đâu chỉ là thiên thần áo trắng , còn là lương y như từ mẫu , hỏi ai trong đời làm mẹ , cả những bà mẹ dịu hiền không một lần nóng giận , la mắng con mình . Thế nhưng với nhân viên y tế thì … . Còn nữa nha bây giờ bệnh nhân là khách hàng , khách hàng là thượng đế , thế thì nhân viên y tế là gì ? Không lẻ là nô tì , là hạ thần của thượng đế .

    Bình luận
  19. Tiếp cận đúng
    Đặt vấn đề hay
    Nhưng viết thiếu cuốn hút, chưa thật sự lột tả vấn đề, đôi khi dùng từ chưa xịn (lịch sự) như cách nhìn mà tác giả kỳ vọng.
    Xin cảm ơn

    Bình luận
    • Hhihi cảm ơn anh đã dành thời gian đọc bài và để lại bình luận. Đây là một bài văn nghị luận và được viết bởi ngôn ngữ phổ thông (không phải học thuật). Cái em cần không phải là hay/dở, mà thuyết phục mọi người hãy nhìn nhận lại về bác sĩ / NVYT. Nếu người đọc sau khi đọc xong và thấy rằng “bác sĩ cũng là người, hãy đối xử với họ giống như 1 con người” thì đó là thành công của bài viết. Hay dở là do góc nhìn và cảm nhận của mỗi người. Biết đâu nhờ có 1 bài viết dở mà sẽ có người chịu viết ra một bài khác hay hơn? Đây cũng là điều em luôn mong chờ ạ.

      Bình luận
    • Không liên quan lắm nhưng nhờ bình luận của anh mà em đã sửa lại phần “nhắn gửi” cho phù hợp hơn. Lúc trước em dùng từ “nội dung hay”, thật ra là chưa chuẩn. Rất khó để đánh giá mức độ hay dở, nên em đã sửa lại và thay bằng từ “đồng tình với nội dung” 🙂 Cảm ơn anh thêm 1 lần nữa ạ.

      Bình luận

Viết một bình luận