Bố mẹ không vô can với vấp ngã của con

344 Views

(1775 chữ, 5 phút, 55 giây đọc)

Trước mỗi quyết định hệ trọng, đứa trẻ nào cũng run rẩy, sợ hãi và có chút thiếu tự tin vào bản thân. Đối diện với khó khăn trong đời, thanh thiếu niên thường bối rối và hoang mang không lối thoát. Rồi ta tìm đến bố mẹ với niềm hy vọng cuối cùng.

Đi khắp cùng trời cuối đất, dễ tìm được ai yêu chúng ta hơn bố mẹ hay không? Chắc là không. Nhưng thật đáng buồn, thương yêu vô bờ không có nghĩa là bố mẹ hiểu con và có những chia sẻ phù hợp. Và đó là nguồn cơn của những mâu thuẫn trong chính gia đình, là con dao chặt đứt sợi dây liên hệ, thậm chí là tác nhân đẩy con vào ngõ cụt.

Tại sao lại như thế?

Liệu có phải là lý do “khoảng cách thế hệ” hay không? Đúng mà chưa đủ. Tuổi tác chỉ là một phần nhỏ. Bố mẹ không hiểu con, vì tính cách không hợp. Và sau đó, bố mẹ quá… tự tin vào năng lực phán đoán của mình mà không quan sát kỹ rồi lắng nghe con.

Mỗi khi con đúng, con làm nên thành tựu gì đó, bố mẹ hãnh diện và cảm thấy mình cũng góp phần trong ấy. Vậy khi con sai, con thất bại, bố mẹ có một lần nhìn lại trách nhiệm của chính mình? Phụ huynh đã tác động bao nhiêu vào câu chuyện đó? Cả trước khi nó xảy ra, trong lúc rối ren và sau khi mọi thứ đã xong xuôi. Hoặc nếu không thể can thiệp tí tẹo nào, vậy tại sao vai trò của cha mẹ lại bằng 0 trước con cái?

Thật ra, mọi lời chia sẻ, khuyên bảo, doạ dẫm, áp đặt,… đến cuối cùng cũng chỉ vì thiếu một chữ “hiểu”. Bố mẹ sẽ luôn muốn tốt cho con cái, đúng. Bố mẹ sợ con cái sẽ khổ đau. Cũng không sai. Nhưng làm theo ý bố mẹ, con vẫn có nguy cơ lớn là… không thấy tốt và đau khổ như thường. Bởi vì người mong ta hạnh phúc thì nhiều vô kể, nhưng biết điều gì thực sự mang lại hạnh phúc thì không. Nó còn phụ thuộc vào… may mắn.

May mắn đầu tiên: Vô tình hợp nhau

Chúng ta dễ hiểu nhau khi có những điểm tương đồng, có những mặt tính cách phù hợp. Người mẹ khao khát sự bình yên sẽ không hiểu vì sao mà con gái mình cứ nay đây mai đó. Người cha là doanh nhân, bộn bề đủ thứ cũng không thể hiểu sao con trai mình cứ lủi thủi ở nhà. Cũng giống như người thích sống ở trên núi, sẽ khó mà hiểu được cái hay nơi phố thị ồn ào. Người mê ăn phở không biết vì sao con mình cứ đòi uống sữa vào buổi sáng?

Vì không hợp nên chúng ta rất khó để hiểu được vấn đề của đối phương. Và sau đó, ta có những bước đi sai lầm, ta bắt con cá leo cây như khỉ. Kết quả là tất cả cùng ngắc ngoải.

May mắn thứ hai: Cố tình vì nhau

Thật tốt khi còn ngã rẽ này. Nếu chẳng may tính cách không phù hợp, bố mẹ vẫn có thể quan sát và lắng nghe các con để bớt… đau đầu. Việc đó không khiến phụ huynh ủng hộ con nhiệt tình đâu, nhưng người lớn sẽ bớt lo lắng thêm nhiều chút. Chẳng hạn như câu chuyện trong podcast hoặc 1 đoạn trích ở đây.

Mình vẫn nhớ bố mẹ đã sốc, giận và tuyệt vọng ra sao khi mình có những lựa chọn không theo ý bố mẹ. Chẳng hạn như học trường nào, thi vào đâu, không ở với ai nữa,… Bố mẹ mình tính cách khác nhau cực, nên thường việc gì bố thông cảm thì mẹ sẽ đau đầu, và ngược lại. Cũng có những việc, cả hai cùng nổi đoá lên. Con xin lỗi bố mẹ, con không cố ý!

Nhưng mà, bố mẹ chắc đã quên, đằng sau vẻ ngoài ngoan hiền, nghiêm túc lại là một đứa con gái bướng đừng hỏi. Đứa bé năm 10 tuổi dám phi thẳng lên gặp cô giáo dạy Văn, chất vấn cô làm sao để viết tốt điểm cao mà không cần văn mẫu. Năm 13 tuổi dám mạnh mồm tuyên bố sẽ là học sinh nữ đầu tiên mang giải Nhất về cho trường và đã làm được. 15 tuổi chấp nhận mọi hình phạt để theo học ở Chuyên, 18 tuổi lại gạt phăng mọi lời khuyên để thi vào ngôi trường mình thích,… cùng hàng loạt sự kiện khác thể hiện rất rõ tính cách của mình.

Ngày mình trở về cuộc sống độc thân, mẹ mình suy sụp dữ lắm và đã ốm suốt 1 năm sau đó. Không phải vì giận, mà xót con quá thôi mà. Mẹ an ủi mình:

“Thôi, nó là cái số lận đận rồi con ạ!”

Mình không nói gì, nhưng tự nhủ, không có số má gì đâu mẹ, là do con sai đấy. Không chỉ mỗi con sai đâu. Và mấy năm qua, mình vẽ hẳn cả “sơ đồ tư duy” để phân tích từng sự kiện, từng nguyên nhân cho thất bại ấy. Thật may, vì mình biết bản thân sai ở đâu nên chuyện về sau đều tốt hơn rõ rệt. Mình đã thay đổi rất nhiều để bớt ngang ngược hay kỳ vọng quá mức vào nửa kia, mối quan hệ vì đó mà lành mạnh và cân bằng hơn hẳn. Mình cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho người khác hay nói xấu gì ai. Trái lại, mình biết ơn mọi chuyện đã qua rất nhiều.

Kết lại thì, bố mẹ nào cũng thương yêu con. Nhưng đừng vội cho rằng thương thì nói gì cũng đúng. Thấu hiểu con cái, hoặc chí ít, biết nhìn nhận rõ hơn về con mới là tiền đề cho hoà thuận và văn minh. Nếu không có cơ may được “hợp” với con, bố mẹ vui lòng tắt bớt điện thoại, gác lại công việc khi về nhà rồi quan sát và lắng nghe con một chút. Quan sát trong lặng lẽ, nghe để nghĩ chứ đừng có chen ngang. Hãy nhớ rằng chúng ta đang nỗ lực hiểu con, không phải để chi phối và điều khiển, thao túng con theo ý của cha mẹ.

Tài sản lớn nhất của cha mẹ là con cái, vậy mà không giữ, đến lúc mất thì trách ai?

Podcast số 12 kể về hành trình “lạc mất và tìm thấy” bản thân, với vai trò khá lớn của bố mẹ. Nghe tại đây.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

Viết một bình luận