(1666 chữ, 5 phút, 33 giây đọc)
Với độ dài hơn 3 tiếng, bộ phim Taare Zameen Par (Cậu bé đặc biệt) là câu chuyện về cậu bé mắc bệnh khó đọc tên Ishaan. Cậu bé không thể đọc- viết thành thạo như các bạn cùng lớp, kéo theo đó là việc bị điểm kém ở tất cả các môn học. Ishaan bị lưu ban lớp 3, ở trường em bị thầy cô và các bạn gọi là kẻ trì độn, ngu ngốc và bị bắt nạt….
Cuộc đời Ishaan chỉ “cua gấp” khi bố chuyển em đến một ngôi trường nội trú. Thầy mới, bạn bè lạ hoắc cùng những biến cố liên tục xảy ra. Và đây là những thông điệp đắt giá rút ra từ hành trình của cậu bé ấy.
Gia đình không có chỗ cho “quái vật mắt xanh”(*)
Yohan – anh trai của em là một học sinh xuất sắc và là niềm tự hào của gia đình. Trong mắt người cha có phần gia trưởng, em luôn bị so sánh với anh trai. Những lời chê bai, than phiền khiến Ishaan cảm thấy cô đơn. Nỗi chênh vênh đó khuất sau những nét vẽ ngây thơ, đi lạc lên bức tường phòng ngủ và bước ra cả nền đất ngoài sân. Dẫu vậy, em vẫn yêu quý anh trai hết mực. Khi phải xa nhà, đó cũng là người em muốn nói chuyện nhiều nhất.
Dẫu biết rằng, khi đứng trước một người luôn đội vòng nguyệt quế, ta chẳng dễ dàng vượt qua nỗi tự ti, càng khó khăn để gạt đi lòng đố kỵ. Nhưng trong suốt bộ phim, Ishaan không có một chút suy nghĩ tiêu cực nào về anh mình. Gia đình đối với em là để yêu thương.
Con cái không thể gánh ước mơ cho cha mẹ
Đam mê với hộp màu, cây bút nhưng cha lại gieo lên em những khát vọng điểm cao và thành tích nhất nhì. Ông luôn mong muốn Ishaan sẽ sớm trở thành một công chức kiểu mẫu. Rõ ràng, bậc cha mẹ dù hiểu biết và từng trải nhưng không có nghĩa họ luôn đúng. Dù không thể phủ nhận cha mẹ hiểu ta vô cùng, nhưng dẫu sao họ cũng không là con trẻ. Vậy tại sao con cái phải gánh trên vai ước mơ của cha mẹ ngày xưa?
Ai cũng có một con đường, dù gai góc hay bằng phẳng, dù mịt mờ hay rõ lối chân đi, ta vẫn cứ tin vào lựa chọn của mình rồi cố gắng theo đuổi nó. Nghe nói, trên đời có hai cách để thành công: làm theo cách của người đi trước, hoặc- ngược- lại.

Trường học không phải một nhà tù
Trường nội trú đặc biệt mà cha gửi Ishaan tới là nơi có kỷ luật nghiêm khắc cùng các thầy cô với phương pháp giáo dục cứng nhắc, nặng tính truyền thống. Tất cả là cơn ác mộng dài ngày với cậu bé, để rồi Ishaan rơi vào trầm cảm.
Trường học không thể là doanh trại quân đội, càng không nên trở thành nhà máy sản xuất robot hàng loạt. Sự ổn định là không cần thiết, đôi khi nó giết chết những ước mơ và ý tưởng lạ lùng. Ngược lại, đổi mới tích cực nên là thứ luôn được đón chào. Maria Montessori** từng nói, “trẻ em không phải chiếc bình để ta đổ đầy, mà là dòng suối cần được khơi thông”.
Người thầy là kĩ sư tâm hồn "chính hiệu"
Thầy Nikumbh là giáo viên dạy mỹ thuật của trường Tulips – nơi chuyên dạy các em bị khuyết tật và được mời tới trường nội trú thỉnh giảng. Nhận ra sự cô đơn và tách biệt với lớp của Ishaan, thầy đã kiên nhẫn tiếp cận, chỉ bảo cậu bé. Thầy cũng không quản ngại xa xôi về nhà gặp cha mẹ học sinh. Sau những lần trò chuyện và tìm ra bệnh, thầy giúp em hòa nhập với bạn bè.
Thật khó có thể quên được cuộc thi vẽ siêu ngộ nghĩnh “Sunday Painting” do thầy Nikumbh tổ chức, Không chỉ có vậy, lời thơ câu hát của thầy còn mang nhiều thông điệp ý nghĩa – thứ chỉ tìm thấy ở người chan chứa tình yêu thương. Hơn cả việc dạy mỹ thuật, thầy Nikumbh còn là một họa sĩ tâm hồn.

Hãy để yêu thương dẫn lối
Nếu một ngày tình yêu cạn kiệt, bất cứ ai cũng có thể trở thành gốc cây chết trên đảo Solomon(***). Sự quan tâm vốn là lực đẩy siêu cường, hàn gắn mọi vết thương và dẫn lối cho cuộc sống. Trong phim, nụ cười của Ishaan rất đẹp, nhưng xuất hiện rất ít. Ta chỉ thấy nó khi yêu thương tràn về trong em. Sự thấu hiểu, bao dung và tôn trọng khác biệt của thầy Nikumbh đã đưa em đến một chương khác tươi sáng hơn trong cuộc đời.
Có một điều chúng ta dễ nhận thấy trong các bộ phim Ấn Độ là sự khát khao đổi mới và thay đổi số phận con người. Ishaan của 10 năm sau rất có thể sẽ trở thành một con robot được lập trình sẵn nếu không gặp thầy Nikumbh và đạt giải vô địch “Sunday painting”.
Mỗi cá thể xuất hiện trong đời đều mang một sứ mệnh. Hãy luôn nhớ rằng, bạn “sinh ra như một bản chính”, nên dù có thế nào cũng “đừng chết như một bản sao”. Hiểu về bản thân, luôn yêu thương và hướng về phía trước. Rồi sẽ có ai đó tìm ra sự đặc biệt của bạn, trân trọng và đồng hành cùng bạn trên những đoạn đường mới.
(*) Quái vật mắt xanh là cách gọi ẩn dụ của sự đố kỵ, ghen tỵ
(**) Nhà giáo dục Maria Montessori : xem tại đây
(***) Tương truyền rằng để chặt cây đại thụ, người dân đảo Solomon chỉ cần đến mắng chửi, chê bai và oán trách dưới gốc cây. Một thời gian sau, cây tự mục ruỗng mà chết.
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này. Nếu thấy nội dung đã đủ hay, bạn hãy chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.
Cảm ơn chị đã highlight tên của các vĩ nhân. Không có nó chắc em cũng đã không bấm vào để tìm hiểu rồi.