(1721 chữ, 5 phút, 44 giây đọc)
“Cha mẹ là số phận của con cái”, ngắn gọn và đơn giản vậy thôi nhưng tôi đã mất hơn hai mươi năm mới có thể hiểu được điều này. Bố mẹ chưa lần nào ngồi xuống giải thích nhưng sự chăm sóc, yêu thương của hai người chính là câu trả lời rõ ràng nhất…
18 năm về trước, ngày đầu năm, tôi nhét vào ví một ít tiền mừng tuổi rồi đạp xe vào nhà cụ nội chúc Tết. Chiếc ví bị rơi. Tiếc tiền 3 phần, tôi sợ bố mắng 7 phần. Ngồi ở bậc thềm, tôi rơm rớm nước mắt.
Tiền không phải là quan trọng nhất, con gái nhé! Lại đây bố đưa cho mấy tờ lấy may!
Một câu chuyện vụn vặt, có lẽ bố cũng đã sớm quên. Tôi thì không. Nếu “tiền không phải là quan trọng nhất” thì điều gì mới là đích đến của “con gái” trong đời?
Ngày bé, cha mẹ bảo vệ và dạy dỗ, mong tôi tiến xa với tri thức
Bắt đầu vào lớp 1, mẹ dành nhiều thời gian kèm cặp và đốc thúc tôi học hành. Một sớm mai, mẹ rời khỏi nhà trong vội vã nhưng không quên nhắc nhở, “con hãy tự giác học”. Lời dặn đủ thiết tha và nghiêm túc nên cứ ở lại mãi trong tâm trí. Năm đó, tôi 7 tuổi.
Mấy năm sau, dù không còn mẹ kèm cặp, tôi vẫn tự giác học và ngồi đọc sách. Khi rảnh, tôi vẽ một vài bức tranh. Bố tôi thấy thế bèn đi mua một chiếc kẹp vẽ, một ít màu và đem về nhà rất nhiều sách truyện. Bố nói con cứ làm đi, con thấy vui, thấy thích là được.
Tôi lên cấp 2, bố rời khỏi nhà để vào Tây Nguyên làm việc. Mỗi dịp sinh nhật, bố đều mua rất nhiều bánh kẹo gửi về, cả sách vở cũng đầy đủ. Bố bảo, con phải nhớ ngày mình ra đời, phải nghiêm túc học hành, phải có ước mơ, con sẽ lên thành phố hoặc ra nước ngoài du học.
Sau nhiều năm đi xa, mẹ tôi cũng quay về nhưng sống ở một nơi khác. Do những hờn dỗi và hiểu lầm tích tụ, tôi ghét mẹ. Ghét đến nỗi chỉ cần bóng mẹ thấp thoáng, tôi sẽ ra khoá cổng. Nếu bà nội mời mẹ vào nhà, tôi cố tình lướt qua rồi hét lên “Cháu chào cô!”. Tuy vậy, mẹ vẫn kiên nhẫn và nhẹ nhàng để hàn gắn từng mảnh vỡ.
Khi đi học, tôi làm lớp trưởng và hay mách cô về mấy bạn cá biệt. Có lần, lũ nhóc chặn đầu xe, doạ dẫm và động chạm vào người. Cô giáo không quản được, tôi ấm ức về gọi điện cho bố. Chiều hôm sau, một người đàn ông có gương mặt dữ dằn đi theo xe đạp của tôi. Khi tới chỗ mấy bạn đang chặn đường, chú nói rất lớn:
Đây là cháu tao! Đứa nào dám động vào Trang thì đừng trách nhé!
Từ hôm đó tôi không bao giờ bị bắt nạt nữa. Hoá ra chú ấy là bạn đi bộ đội cùng bố. Bố gọi về và nói, dù có ở đâu sẽ vẫn theo dõi và bảo vệ tôi. “Thân thể của con là thứ quan trọng, con phải biết chăm sóc và giữ gìn!” (Đương nhiên, tôi chưa từng bị bố đánh).
Lên cấp 3, tôi đi học xa nhà, thuê trọ gần nơi mẹ làm việc. Tuổi mới lớn với nhiều áp lực tại trường Chuyên, tôi hay xích mích với mẹ dù là chuyện nhỏ nhất. Mẹ vẫn kiên nhẫn vỗ về, an ủi và dành thời gian để gỡ rối. Mấy năm sau, tôi tốt nghiệp và cần đi xa hơn để tiếp tục hành trình của mình!
Trưởng thành hơn, cha mẹ hướng tôi đến hạnh phúc của cuộc đời
Đường đời vốn nhiều khúc cua khó đoán, chẳng hạn vừa năm nhất Đại học tôi nói sẽ lấy chồng muộn thì sang năm 2 lại được hỏi cưới. Phụ huynh trăn trở nhiều lắm! Trước khi đồng ý gả con, bố ra điều kiện duy nhất, con phải tiếp tục học, phải tự chủ, có sự nghiệp riêng và không phụ thuộc vào ai.
Trong lúc cuộc sống hôn nhân của tôi viên mãn, mọi thứ đều giống như mơ, vậy mà bố lại nói:
Sao bố có cảm giác con không còn là con nữa? Ánh mắt của con khác trước nhiều lắm, cách nói chuyện cũng thay đổi,... Con có thật sự hạnh phúc không? Có thấy mình phát triển không? Có thấy vui, thấy thích những thứ đang làm không?
Năm 24 tuổi, vào một ngày giáp Tết, tôi thông báo với bố mẹ rằng hôn nhân của mình không thể cứu vãn được nữa. Mẹ gật đầu, tôn trọng lựa chọn đó. Còn bố chỉ nói thêm rằng:
Bố không cần biết mình thông gia với ai, không quan tâm con ở khu nào, đi xe gì hay dân làng gièm pha những gì. Bố chỉ muốn hỏi, con có thật sự vui vẻ và được làm những việc mình thích không? Đêm về con có ngủ ngon không?...
Mỗi thời điểm nhạy cảm trong đời, thật may vì bố mẹ đã luôn xuất hiện đúng lúc. Dù là khi còn nhỏ hay đã lớn khôn, gia đình vẫn luôn ở đó. Cùng vui, cùng buồn, chia nhau hạnh phúc và cả nỗi đau. Năm tháng qua đi, bố mẹ và con cái cùng nhau trưởng thành với nhiều bài học.
Bài học lớn nhất tôi rút ra được, đó là đích đến trong cuộc đời một cô gái – là hạnh phúc. Hạnh phúc được xây dựng trên sự tự do và độc lập, dựa trên năng lực và đạo đức của mình. Nhất định phải là của mình, không dựa dẫm, không vay mượn.
Cha mẹ là số phận của con cái, càng lớn càng thấy đúng! Cảm ơn bố mẹ đã luôn yêu thương và che chở, luôn nâng niu và hết lòng dạy dỗ đứa con bướng bỉnh này ❤️.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.