Chọn cô đơn để thực sự trưởng thành

1515 Views

(1659 chữ, 5 phút, 31 giây đọc)

Hà Nội, ngày giãn cách thứ 3x... Cuộc sống ì ạch và rối ren khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về sự cô đơn. Người thèm được riêng tư một lát, người lại chán ngấy nó tận đỉnh đầu. Người trẻ là đối tượng khá nhạy cảm với chủ đề này cùng câu “caption” kinh điển “càng trưởng thành, càng cô đơn”. Mình lại nghĩ khác, nhờ cô đơn nên chúng ta mới thật sự trưởng thành.

Bài viết sau cùng những câu chuyện trong podcast hôm nay sẽ phần nào lý giải kết luận ấy.

Mark Manson* từng viết về 4 giai đoạn cuộc đời, trong đó, giai đoạn 1 là khi chúng ta bắt chước và phụ thuộc vào người khác. Giai đoạn 2 bắt đầu khi ta tìm hiểu về bản thân, trở nên độc lập và trưởng thành. Thông thường, nó diễn ra khi ta vào độ tuổi thiếu niên và kéo dài khoảng 15 năm. Không tính trường hợp “chậm lớn” kiểu anh thanh niên ngót nghét 30 rồi, sáng mua 5 nghìn xôi tối 3 nghìn trà đá…

Để sinh tồn và phát triển, mỗi người cần liên tục tìm hiểu về thế giới ngoài kia. Đó có thể là người mình hẹn hò, công ty mà ta ứng tuyển hoặc đất nước ta sắp đi du lịch… Nhưng công cuộc tìm hiểu nào trên đời là gian khó và cần phải có nhất? Mình tin rằng đó là việc là tìm hiểu về bản thân.

Bạn luôn miệng nói yêu bản thân? Nhưng nếu không hiểu, bạn sẽ chẳng bao giờ yêu mình đúng cách. Khi nhìn những người sống hết nửa đời vẫn không xác định được giá trị cốt lõi cá nhân và chẳng biết mình muốn đi tới đâu trong cuộc sống, mình tự hỏi:

Có phải họ chưa đủ cô đơn để trở nên độc lập và tìm ra chính mình?​

Cô đơn có thể hiểu là khi chúng ta chủ động tách mình ra khỏi đám đông. Ta không ghét bỏ loài người hay sợ kết nối. Nhưng ta rất cần sự tĩnh lặng trong không gian và trong cả tâm tưởng để khai phá bản thân một cách vẹn nguyên.

Cô đơn cho phép ta lắng nghe tiếng nói nội tâm (inner-voice) và không còn dao động vì những ý kiến ngang dọc của người khác. Từ đó, ta tìm thấy bản thân. Khi cuộc sống xô bồ và đông đúc cũng chính là lúc ta rất dễ đánh mất mình. Đừng ngại khi có cái tôi, mọi việc chỉ tệ khi bạn thổi nó lên “quá lớn”. Bất hạnh nhất là người không có nổi cái tôi cho riêng mình, mỗi lần muốn hòa nhập là hòa tan ngay tức khắc.

Cô đơn còn giúp mình nghĩ sâu hơn về từng sự kiện xung quanh. Chẳng hạn, sau mỗi lần thất bại hay buồn chán, mình thường trốn trong phòng ngủ hoặc đi đến những nơi lạ lẫm để tự do suy nghĩ. Cô đơn quan trọng và diệu kỳ đến thế, nhưng nó ngày càng khó kiếm ra trong thế giới quá ồn ào. Chưa kể, chúng ta rất dễ kết nối theo một cách hời hợt và qua loa.

Có những chuyện, nghĩ nhiều thì đau đầu mà nghĩ thông rồi thì đau lòng. Nhưng cuối cùng ta vẫn phải nghĩ. Và tốt nhất hãy nghĩ một mình để không còn phải đẽo cày giữa đường. Tự cho mình cô đơn giống như việc chúng ta bỗng đứng lên vỉa hè để thấy rõ hơn về cách mà dòng xe đang qua lại (và trốn tắc đường).

Bạn nghĩ rằng người lạc quan luôn nhìn vào mặt tích cực? Đúng mà chưa đủ. Đó là vì họ biết thuật phân thân để luôn nhìn thấy 2 mặt của vấn đề. Hiểu được cái tốt, nhưng cũng dự đoán được cái xấu. Vì không kỳ vọng sự hoàn hảo, nên mỗi người không còn ảo tưởng và bớt đi những khổ đau. Sau đó, họ tập trung nhiều hơn vào điều tích cực. Đơn giản vậy thôi!

Con người cần cô đơn để trở nên độc lập và trưởng thành, để tự nhận thức sâu sắc về cuộc sống. Nhưng cũng vẫn là chúng ta, luôn sợ bị bỏ rơi, sợ trở thành người thừa của xã hội. Vậy vấn đề ở đây là tìm một liều thuốc “cô đơn” vừa đủ theo chỉ số BMI của mỗi người (đùa đấy).

Cô đơn thôi, đừng cô độc hay lẻ loi. Cái mà ta cần không phải một người dính chặt bên đời mà cần họ đi song song hoặc theo chậm phía sau. Ta sẽ tự bước đi mà không cần ai bế ẵm hay dìu dắt từng chút một. Ta tự do là thế, nhưng khi có khó khăn hay chợt thấy yếu lòng thì vẫn luôn có người ủng hộ, kề bên. Và số người này thật sự rất rất ít.

Bởi chúng ta cần “mối quan hệ có chiều sâu” hơn “nhiều mối quan hệ”.

Hy vọng rằng những câu chuyện trong podcast sẽ có hình bóng của các bạn ở đó. Đối với mình, càng trưởng thành thì sẽ càng cô đơn. Nhưng cũng nhờ cô đơn nên chúng ta mới có cơ hội trưởng thành thật sự. Biết chung sống hòa hợp với cô đơn chính là biểu hiện đầu tiên của sự trưởng thành. Cũng như việc chấp nhận giới hạn của bản thân và làm gì cũng có nguy cơ thất bại.

Chúc các bạn có thêm nhiều sự riêng tư trong thế giới ồn ào này và cũng biết cách cho người khác có khoảng trời riêng của họ. Rồi bạn sẽ tìm được bản thân, học cách lớn lên và hiểu về cuộc sống qua những khoảng thời gian một mình. Và cuối cùng, mong bạn tìm được sự cân bằng để không cô độc.

Đọc thêm :
Mark Manson* và quan điểm 4 giai đoạn cuộc đời

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này. Nếu thấy nội dung đã đủ hay, bạn hãy chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

8 bình luận về “Chọn cô đơn để thực sự trưởng thành”

  1. Mỗi lần đọc về bất kì một bài viết nào đó của chị, em đều cảm thấy bản thân như thể được tiếp thu một vùng kiến thức vô cùng mới mẻ và hữu ích. Em cảm ơn chị ạ, chúc chị thành công !

    Bình luận
  2. Mình rất thích các bài viết của Trang. Với bài này mình hiểu Trang nói cô đơn với nghĩa là tự lập, là tự thân vận động phải không Trang. Bởi vì chỉ có tự lập mới giúp mình trưởng thành hơn, giúp mình mạnh mẽ hơn, ý chí hơn và khám phá nhiều khả năng còn tiềm ẩn của mình nữa vv….vv. Còn hiểu theo nghĩa đen thì cô đơn nó là trạng thái cảm xúc, đôi khi nó còn là triệu chứng của một số bệnh. Mình nghĩ Trang viết “Cô đơn” sẽ đúng hơn.

    Bình luận
    • Chào bạn, cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài và để lại comment. Cô đơn trong cách hiểu của mình chính là trạng thái “ở một mình” đúng nghĩa đen đó. Mình là người hướng nội nên rất cần được “cô đơn” một cách chủ động. Chẳng hạn nếu đi tập thể dục, mình sẽ chọn đạp xe 1 mình để suy nghĩ thay vì đi với 1 hội. Ở nhà, khi rảnh thì mình sẽ chui vào phòng ngủ để làm gì thì làm ;)) Mình vẫn rất cần giao tiếp để phát triển nhưng những khoảng thời gian quyết định đến sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động của mình lại là lúc được cô đơn. Còn theo khái niệm của mình thì “cô độc” mới đáng sợ, là kiểu không ai quan tâm, không thể gần được với ai, không có vai trò gì trong cs và trở thành người thừa của xã hội. Hai từ này confused cực, mình đi dạy về chủ đề “sự cô đơn của người cao tuổi bên các nước Phương Tây”, cô trò cũng tranh cãi về việc dùng “cô đơn” hay “cô độc, cô lập” để diễn đạt cho chuẩn.

      Bình luận
    • Mình đã viết thêm 1 đoạn ngắn nữa để giải nghĩa khái niệm cô đơn trong bài. Cảm ơn bạn vừa đọc bài vừa suy nghĩ về nội dung để có những câu hỏi hay. Khi viết, mình luôn cố gắng diễn đạt sâu và đa chiều vấn đề, nhưng đúng là 2 cái đầu phải hơn 1 cái. Những ý kiến, câu hỏi của độc giả giúp mình rất nhiều trong việc điều chỉnh & cải thiện nội dung. Mong sẽ được bạn theo dõi lâu lâu hihi

      Bình luận
      • Trang viết thêm đoạn đó rất hay. Chúng ta cần có những “cô đơn chủ động”, “cô đơn tích cực” để trưởng thành. Còn “tự kỉ”, “cô đơn tiêu cực” sẽ là tự hủy hoại chính bản thân mình. Làm một mình thì vất vả thật, song đổi lại mình sẽ khám phá được chính bản thân mình và mình có được sự chủ động. Cái gì cũng có giá của nó phải không Trang? Với mình thì trong mọi hoàn cảnh đều phải bình tĩnh và suy nghĩ tích cực. Buổi tối nhiều niềm vui cho Trang nhé!

        Bình luận

Viết một bình luận