(1059 chữ, 3 phút, 31 giây đọc)
Khi biết rung động, ta sẽ nhận ra trong tình yêu luôn có 2 kiểu người cơ bản: người yêu mình và người mình yêu. Nếu họ không phải là một, có lẽ bạn đã rất trăn trở về việc chọn ai để hạnh phúc lâu dài. Tôi thì may mắn hơn bạn, khi có đến 2 mối tình đều “tròn vai” như cổ tích. Và chẳng ngạc nhiên khi hiện tại tôi đang hạnh phúc với cuộc sống độc thân. Cổ tích làm gì có thật?
Tại sao lại chia tay người luôn yêu chiều mình, cho mình là nhất, mình làm gì cũng đúng? Hay tôi là điển hình của mấy cô nữ chính ngôn tình thích tự ngược? Thật ra, chuyện là thế này.
Mỗi người có một tiêu chuẩn cho những mối quan hệ cá nhân, và đối với tôi thì nó bắt buộc phải lành mạnh và cân bằng từ gốc. Đó là yếu tố quan trọng nhất để bắt đầu và duy trì một mối quan hệ.
“Cân bằng” là khi cả hai không chênh lệch nhau quá nhiều về nhận thức và tư duy. Bởi cách nghĩ sẽ quyết định rất nhiều đến thế giới quan, đến bản lĩnh và cách đối diện với mọi chuyện ở đời. Cân bằng là khi cả hai phải một 9 một 10, không ai lấn lướt hay át vía ai cả. Lúc ban đầu, sự khuất phục của người kia sẽ cho chúng ta cảm giác an toàn và thỏa mãn, nhưng rất nhanh thôi, ta sẽ thấy nhàm chán và thậm chí… coi thường. Đó là mầm mống của sự đổ vỡ.
“Lành mạnh” là khi cả hai không kìm hãm nhau và luôn thẳng thắn phê bình cho đối phương tiến bộ. Cách chúng ta “bật” lại người kia, biết khen chê và không ngại “nắn chỉnh” là điều cần thiết để cùng nhau phát triển. Yêu một người, giậm chân tại chỗ đã là lãng phí. Vậy mà còn đẩy nhau lùi lại từng tí thì tình yêu đó độc hại đến nhường nào? Và đó là chất xúc tác của việc chia tay.
Sau mỗi cuộc tình, tôi luôn kín tiếng bởi nói ra thì không khác gì tự vả vào mặt. Trách người 1 thì tôi phải trách mình 2-3. Cũng có thể do người cũ đôi lần chưa đủ tốt, nhưng phần lớn do tôi không rõ ràng trong lựa chọn ngay ban đầu. Tôi tự lừa bản thân bằng những yêu thương, chiều chuộng, nghĩ như vậy đã là đủ cho tất cả. Rồi một ngày cay đắng nhận ra, năm tháng trôi mình chẳng lớn thêm được tí nào! Đã vậy, đôi lúc còn hành xử trẻ con khó hiểu.
Ai sinh ra cũng là một cây bút chì mộc mạc. Và mỗi lần bị người khác gọt giũa, ta đâu thể tránh khỏi đớn đau? Nhưng nếu không gọt, suốt đời cũng chẳng viết ra nổi một nét chữ đẹp. Dù là trong tình yêu, trong quan hệ gia đình hay đồng nghiệp, thầy trò,… việc tranh luận, phản bác và phê bình là điều nên có để mỗi người có thể nhìn nhận lại bản thân và hoàn thiện dần lên. Vuốt ve, khen ngợi thì vui và dễ quên, còn góp ý và “nắn chỉnh” thì đau nhưng ý nghĩa.
Vì vậy, quay lại câu chuyện ban đầu, thay vì băn khoăn chọn người yêu mình hay người mình yêu, ta nên hỏi bản thân bằng một câu khác. Liệu yêu người ấy ta có thể phát triển và trưởng thành hơn không?
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này. Nếu thấy nội dung đã đủ hay, bạn có thể chia sẻ và lan tỏa đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Share bài viết này lên mạng xã hội