(1931 chữ, 6 phút, 26 giây đọc)
“Một mối quan hệ chán ngắt nhưng không thể chia tách, một mối quan hệ kéo dài suốt đời, đó chính là… gia đình” – lời thoại trong bộ phim đình đám Reply 1997 lại văng vẳng bên tai tôi. Không chỉ là cội nguồn của nhiều hạnh phúc lẫn khổ đau, gia đình cũng chính là xuất phát điểm của bạn trong cuộc sống.
Bạn đã bao giờ mặc cảm vì xuất thân của mình? Bạn đã từng ước được sinh ra dưới một mái nhà to đẹp khác? Bạn có thật sự bằng lòng với địa vị thấp kém của mẹ cha? Câu trả lời sẽ nằm trong những dòng kế tiếp hoặc trên kênh podcast.
Khi bóng đêm bao trùm lên số phận
Tôi sinh ra ở quê, con nhà thuần nông, gia đình không có gì ngoài… một đống nợ. Đùng một cái, bố mẹ chia tay. Cách đây 2 chục năm, đó thực sự là “hot drama” khắp làng trên xóm dưới. Lớn lên với sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, tôi cũng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc vì gia đình khuyết,… Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra đó là một cơ hội, là động lực hơn là sự thiệt thòi.
Tôi là một đứa con ngoan nhưng không phải đứa trẻ vâng lời. Ở mỗi bước ngoặt trong đời, tôi thường đi ngược lại kỳ vọng của cha mẹ. Và đây là điệp khúc muôn thuở :
“Thôi tùy con, dù sao bố mẹ cũng là người bình thường. Con đã chọn rồi thì tự có trách nhiệm!”. “Thôi tùy con, dù sao bố mẹ cũng đều thất bại trong hôn nhân. Con cảm thấy hạnh phúc là được.”
Cha mẹ không xuất sắc, tôi có vẻ được tự do hơn. Các bạn sinh viên hay hỏi, nếu có xuất phát điểm thấp, có phải mọi cơ hội đều bị giới hạn? Theo tôi, nên hỏi là: phải làm gì để đến đích khi có xuất phát điểm thấp?
Câu trả lời là hãy tìm lấy một mục tiêu và chạy thật nhanh đến đó, đừng rẽ bên nọ bên kia. Dù 10 tuổi hay 26 tuổi, phần lớn các buổi tối tôi vẫn thường học bài hoặc làm việc đến khuya. Tôi của năm 20 tuổi, là thành quả của 10 năm trước đó “chạy” bền bỉ, liên tục. Tôi của 30 tuổi, sẽ phụ thuộc vào vận tốc chạy lúc này của bản thân.
Mỏng như tờ giấy còn có 2 mặt, xuất thân thấp kém chỉ trùm lên đời bạn một màn đêm khi bạn cho phép điều đó xảy ra. Khi nào bạn thật sự muốn thoát khỏi bóng tối ấy, bạn sẽ tự biết cách. Không ai hiểu rõ cuộc đời bạn hơn chính bạn. Nhưng tại sao vẫn có nhiều người vẫn đắm chìm trong đó?
Đôi khi, mặc cảm về xuất thân đã đành, họ còn tự ti, kỳ thị hoặc căm ghét người sinh ra có nền tảng tốt hơn mình nhiều chút. Tôi không có thái độ đó nên được ở gần với rất nhiều người “sinh ra ở vạch đích”, gia đình không có gì ngoài điều kiện. Nhưng trên thực tế, cuộc sống của họ vẫn có những đau thương…
Khi bóng râm che hết cả con đường
Nếu bạn khuất trong bóng đêm mù mịt, thứ trùm lên đời “cậu ấm cô chiêu” lại là bóng râm. Đứng ở đó, đôi khi ta chẳng biết có nên bước ra khỏi nó hay không nữa. Cái bóng ấy đến từ địa vị, tài sản, sức ảnh hưởng,… của cha mẹ. Đó là khi cô giáo nhận lớp và trông chờ vào sự xuất sắc của “con Giáo sư Toán học A”. Đôi khi, ai đó tuyển dụng họ về làm chỉ vì “nể mặt bố mẹ nó”. Thậm chí, trai gái tiếp cận họ, ngồi nói chuyện mặt đối mặt, nhưng trong mắt chỉ có nhà cao, cửa rộng, xe sang cùng những chuyến du lịch xa hoa. Các bạn con nhà giàu, 5C cũng có những ước mơ của riêng mình, có những hướng đi khác biệt đáng được ủng hộ. Nhưng nếu chẳng may lệch sóng bố mẹ, câu nói quen thuộc sẽ là :
“Bố lăn lộn bao nhiêu năm, một tiếng nói bao nhiêu người nghe. Con nhất định phải….!”. “ Nếu con không nghe lời, con sẽ bị… (phạt gì đó liên quan đến tiền)”. “Sao làm con của X mà dốt thế nhỉ? Không được làm như thế, chắc chắn sẽ sai đấy!”
Đã có bao nhiêu tâm hồn bị tổn thương hoặc bao nhiêu ước mơ bị bóp nghẹt,… chỉ vì những áp đặt, độc đoán đến từ chính cha mẹ – những người có địa vị và được coi trọng trong xã hội. Để tới khi 30-35 tuổi, bên trong họ vẫn là một đứa trẻ yếu đuối không hơn. Bởi vì cha mẹ chưa bao giờ được trao cho học cơ hội để lớn. Không có vấp ngã, không biết đứng dậy. Không được phép sai, không có trưởng thành.
Đừng đi một mình, hãy bước cùng nhau!
Bạn có biết vì sao ta không dùng máy bay để lên thẳng lên đỉnh Everest mà phải leo từng km đường núi với bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy? Bởi vì, nếu bay thẳng 1 mạch lên đỉnh, ta sẽ chết vì sốc, vì thiếu ô xi và không khí loãng đột ngột. Điều này không khác gì việc những bạn trẻ sinh ra trong nhung lụa, được cha mẹ dọn sẵn đường và bùm,…họ ngồi ở những vị trí cao khi tuổi đời còn quá trẻ. Có phải đó cũng là ước mơ một thời của bạn? Ngủ dậy rồi ngồi ở một nơi nào đó sang trọng, không cần nỗ lực lấy một ngày?
Rõ ràng, túi tiền và địa vị của cha mẹ quan trọng, nhưng thứ quyết định nhiều hơn đến cuộc đời con trẻ, lại là cách nuôi dạy và đối xử với con. Giống như Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, người đứng đầu Tập đoàn Alphanam vẫn tôn trọng và tin tưởng để con theo đuổi lẽ sống của mình. Hoặc như người mẹ lao công của Trần Thị Diệu Liên – cô gái nhận học bổng 7 tỉ của Harvard. Phía sau các con, gia đình luôn hiện diện với sự quan tâm, yêu thương chân thành và luôn kiên nhẫn để con được lớn.
Chuyện là vậy đó. Người sinh ra với xuất thân hèn kém ôm những nỗi khổ riêng, người là con của gia đình tầm cỡ cũng có niềm đau khó nói. Cuộc đời ai cũng đầy rẫy những rắc rối, muộn phiền. Nhưng chúng ta vẫn có điểm chung. Đó là đều muốn đi qua bóng tối.
Để làm được điều đó, ai cũng phải nỗ lực hết mình và bền bỉ “chạy” về đúng cái đích ta đã nhắm. Bạn cần bước qua tất cả để tìm được chính bản thân và sống cuộc đời mà bạn hằng mong muốn. Nhất định phải là cuộc đời bạn muốn, không phụ thuộc vào sự sắp đặt của ông trời lẫn mẹ cha
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này. Nếu thấy nội dung đã đủ hay, bạn hãy chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.
Thực ra góc nhìn của chị cũng rất hay và sâu sắc nhưng với đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện cũng có nhiều nỗi khổ. Tuy là chưa từng phải đoán xem bữa ăn này bao nhiêu tiền hay bộ quần áo mới mình thích bằng mấy tháng lương của bố mẹ, nhưng định kiến xã hội luôn đè lên tất cả mọi người. Nếu cố gắng hoặc nỗ lực nhiều thì xã hội luôn cho rằng do gia đình mày thế thì cũng đúng thôi. Ngay cả bây giờ trên mạng xã hội cũng là một tấm gương phản chiếu lại những định kiến đấy, có cô bé vào trường danh giá top Ivy league thì người ta lại chỉ quan tâm học phí trường đó bao nhiêu và cảm thán à nhà con bé đấy khủng thật mà quên rằng người ta cũng cố gắng hơn chúng ta rất nhiều mới đạt được những gì chúng ta vẫn thường ghen tị. Chính vì thế, e rất mong chị thử viết về góc nhìn của chị về những cô cậu ngậm thìa vàng để có thể đa dang cách nhìn. Luôn thích cách chị viết và ngưỡng mộ chị.
Cá nhân chị thì thấy vượt sướng khó hơn vượt khổ. Khi người ta khổ, họ có rất ít lựa chọn nên việc nỗ lực để vươn lên là điều “dễ hiểu”. Khi họ sướng, gia đình khá giả một chút, lựa chọn sẽ vô cùng nhiều. Nhưng sau tất cả các bạn ấy vẫn chăm chỉ và nỗ lực tu dưỡng bản thân. Đó là điều khó. Cũng giống như khi sở hữu smartphone, ipad, người ta… ít đọc sách vì cập nhật thông tin dễ quá rồi. Chị biết trường hợp em nói, và sẽ viết thêm về chủ đề này. Nghèo hay giàu cũng có this, có that. Chị luôn trân trọng con đường và sự cố gắng của mọi người để đi được đến cuối, dù họ ở vạch nào 😀