Đi tìm người thứ ba thật sự

175 Views

(1544 chữ, 5 phút, 8 giây đọc)

Nếu biết sớm muộn cũng chia tay, có lẽ ngày đó ta đã chẳng nhận lời yêu. Tương tự, khi cầm chắc tấm vé ly hôn, ngược dòng thời gian ít ai dám cưới. Chia ly, đổ vỡ là điều không mong muốn. Khi nó xảy ra, ta cố tìm vài lý do để bấu víu và an ủi tâm hồn. Nhưng liệu có ai chịu nhìn lại để nhận ra, người thứ 3 thật sự mang tên "tiền tài, danh vọng".

Nếu chưa tin, bạn có thể đọc tiếp hoặc nghe podcast ở đây.

1. Khi tình yêu mãi là lời "khất hẹn"

Đầu tiên, tiền tài danh vọng như liều thuốc độc khiến nụ hoa chưa nở đã tàn. Lập cập yêu ở tuổi đôi mươi, người trẻ đồng thời hiểu hơn tầm quan trọng của tiền bạc. Chúng ta mải miết làm việc, nỗ lực xây dựng nền móng cho tương lai. Chính lúc đó, tình yêu cũng trôi dần vào quá khứ.

Bao nhiêu lần bạn định hẹn anh ấy coi phim, nhưng cuối cùng lại hủy bỏ vì lụt việc? Cả tuần mới gặp gỡ một lát, chen giữa cả hai là laptop và đống nhiệm vụ đang chờ. Thậm chí, nhiều cặp đôi còn trì hoãn việc kết hôn để đợi “sự nghiệp ổn định” – một khái niệm mơ hồ với muôn hình vạn trạng. Kết cục vẫn là chia tay, vì mấy ai đủ “lì” để ở bên người luôn đặt mình vào vị trí ưu tiên sau cuối.

Chắc hẳn những câu nói sau đây không còn quá xa lạ với chúng ta:

Sao mày thích nó thế mà không yêu luôn đi? Tao bận lắm, còn bao việc phải làm.

Ủa, tụi mày mới còn yêu mà đã chia tay là sao? Thì bận quá, chẳng có thời gian cho nhau.

Theo lý thuyết 4 lò lửa của David Sedaris(*), để thành công chúng ta cần phải biết tắt đi 1 (vài) bếp lò. Những năm tháng thanh xuân, có thể chúng ta đã lỡ tay hoặc cố ý tắt nhầm chiếc lò tình yêu/gia đình rồi thầm nhủ “đời còn dài mà trai-gái vẫn còn nhiều”. Nhưng bạn cũng đừng quên câu nói nổi tiếng này: 

Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng, những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời.

Trịnh Công Sơn

2. Khi sự nghiệp làm khoảng cách rộng thêm

Tiền tài, danh vọng không chỉ phá vỡ đôi uyên ương chưa kịp cưới, nó còn làm rạn nứt rất nhiều cuộc hôn nhân. Khi gánh nặng tài chính lớn dần, vợ chồng vì áp lực mà sinh ra cãi cọ. Chúng ta sẽ có xấp hóa đơn hàng tháng kèm nhiều dự định tương lai. Đó là nguồn cơn của nhiều chuyện ngang trái.

Hôm nay anh về muộn thế?! Ừ, cơ quan bao việc xong anh còn đi tiếp khách.

Anh quên hôm nay ngày gì à? Không, mệt chết đi! Tôi phát ốm để lo cho cái gia đình này...

Ngay cả khi vợ vẫn đi làm, nhiều ông chồng luôn mặc định “kiếm tiền” là trách nhiệm trọn đời của họ. Trong mắt đàn ông, người vợ đôi lúc như nguồn cơn của áp lực và rắc rối. Ủa, ai trưởng thành mà không phải làm việc? Chưa kể, gia đình là của chung, nếu chữ “bạn đời” được hiểu đúng, ai lại đi “nuôi bạn” bao giờ? Thế mà vẫn nhiều người nhầm lẫn.

Vai trò của vợ / chồng từ đây thay đổi. Từ người đồng hành, chúng ta bị giáng xuống thành “cục nợ”- thứ mà tất thảy đều muốn trốn, muốn quên. Rạn nứt xuất hiện, khoảng cách xa dần, lúc này ai muốn chen vào giữa mà chẳng được.

3. Khi tiền tài không đủ cho hạnh phúc

Nhưng chưa hết, công danh, sự nghiệp vẫn là nỗi đau của nhiều cặp vợ chồng lúc về hưu. Họ tài giỏi và may mắn hơn những trường hợp trên khi cùng nhau vượt qua bao thăng trầm và xử đẹp mọi áp lực tài chính. Cữ ngỡ rằng khi con cái khôn lớn, gia sản đủ đầy, hai cụ sẽ hạnh phúc đến cuối đời. Nhưng không, giữa họ vẫn là những hố sâu ngăn cách.

Vì ai đó tin rằng, là chồng – chỉ cần mang nhiều tiền về nhà sẽ đủ cho tất cả.

Không có một người vợ nào vui vẻ khi thấy chồng vất vả làm việc. Không có đứa con nào sung sướng khi ngôi nhà luôn thiếu bóng cha. Và cuối cùng, giàu có, chức to không có nghĩa là an yên, hạnh phúc. Chúng ta vẫn chứng kiến những gia đình không có gì ngoài điều kiện, nhà cao cửa đẹp nhưng con cái và cha mẹ luôn cách xa, hạnh phúc mỏng manh như bong bóng.

Cuối cùng thì, dù có kết hôn hay ở vậy, ta vẫn phải làm việc rất nhiều năm. Người yêu, vợ chồng hay con cái,… họ cũng không xuất hiện để trở thành gánh nặng. Vì vậy, đừng để tiền tài danh vọng làm biến chất “yêu thương”. Nếu ai đó có chủ đích biến bạn thành con nợ, hãy đẩy họ ra xa cuộc đời mình. Ngược lại, bạn đừng tự vẽ ra những chủ nợ mới. Điều đó là không công bằng, cho tất cả.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này. Nếu thấy nội dung đã đủ hay, bạn hãy chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

Viết một bình luận