Định hướng bản thân nhờ… trò chơi nối điểm

98 Views

(1987 chữ, 6 phút, 37 giây đọc)

Hôm nay bạn đã làm gì? Đọc một cuốn sách, tham gia một sự kiện hay đăng kí một khóa học mới? Có thể bạn làm những điều này mà chằng có bất cứ mục đích hay định hướng nào. Cùng lắm ta chỉ hy vọng “việc ấy chắc sẽ có ích”. Nhưng bạn biết không, tất cả những gì chúng ta đã làm chính là những “dấu chấm”, khi nối lại sẽ tạo nên bức tranh tương lai. Đó chính là ý nghĩa của “trò chơi nối điểm” mình sắp kể. 

Câu chuyện về trò chơi nối điểm - Connect the dots

Trò chơi nối điểm
"Lời tiên tri" từ gần 4 năm trước của mình

Hôm nay mình vô tình xem lại tấm ảnh này trên FB dạy tiếng Pháp. Ngày hôm đó là kỷ niệm 60 thành lập Học viện Ngoại giao. Sau khi về thăm trường, mình nổi hứng đăng 1 bức ảnh làm kỷ niệm. Do trực giác mách bảo rằng duyên nợ với Ngoại giao chưa hết, mình đã phát biểu đôi lời như hình minh họa. Đúng 2 năm sau, tháng 11/2021, DAV dành cho mình một góc làm việc bé xinh để mình “cống hiến” mỗi ngày.

Tấm ảnh và chuỗi sự kiện ấy làm mình nhớ đến một bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford. Suốt bài chia sẻ, ông chẳng nói gì đao to búa lớn mà chỉ kể lại vài câu chuyện trong đời mình nhằm chứng minh một quy luật cuộc sống. Ta tạm gọi đó là “connecting the dots” hay “trò chơi nối điểm”.

Có rất nhiều người không vào Đại học hoặc tốt nghiệp với một tấm bằng đỏ rực, còn Steve Jobs – ông “phải” vào đại học vì ước muốn của mẹ đẻ. Bà ấy lỡ có thai khi chưa cưới và quyết định tìm cha mẹ nuôi cho con. Điều kiện duy nhất là sau này con của bà phải được học đại học.

Mọi thứ diễn ra đúng như ý nguyện của người mẹ. Steve Jobs đã trở thành sinh viên. Tuy nhiên, từ giây phút ấy, chàng trai trẻ đi qua nhiều thử thách và học cách đưa ra quyết định cho đời mình. Ông đã từ bỏ giảng đường đại học. Một phần vì chưa thể tìm ra ý nghĩa của những giờ lên lớp, một phần vì… khó khăn tài chính của bố mẹ nuôi. Tuy nhiên, Steve Jobs không ngừng học, trong những năm kế tiếp, ông còn học nhiều hơn gấp bội.

Học thư pháp và tiếp thu những kiến thức cơ bản về hình họa, chữ viết và biểu đạt. Dù ngay lúc đó, mớ tri thức hỗn độn tưởng chừng vô nghĩa nhưng do đã đăng ký thì… cứ học thôi.

Học cách mưu sinh khi ngừng nhận hỗ trợ của gia đình, mặc cho mỗi cuối tuần, Steve Jobs phải đi bộ hàng chục km để ăn cơm từ thiện.

Học cách chịu trách nhiệm cho quyết định bỏ học, chấp nhận làm việc với mức lương rẻ mạt vì thiếu bằng cấp trong vài năm đầu.

….

Steve Jobs cho ra đời chiếc Macintosh đầu tiên vào khoảng 10 năm sau ngày tạm biệt trường đại học. Ông thừa nhận rằng, Mac đã trở thành chiếc máy tính có font chữ thanh lịch và độc đáo bậc nhất trên thế giới nhờ vào khóa học thư pháp cách đó 10 năm. Khi Apple thành công, một thời gian sau, Steve Jobs gặp bất đồng với ban lãnh đạo và bị đuổi việc tại chính công ty do mình sáng lập.

Tuy nhiên, đây chẳng phải lần đầu cuộc đời ông chạm đáy và đi vào ngõ cụt. Ở độ tuổi 30, Jobs mất phương hướng trong vài tháng và dần lấy lại tinh thần. Ông nói rằng, công nghệ vẫn là đam mê của đời mình và khi được tự do lựa chọn, ông sẽ tìm mọi cách để bước tiếp. Những khóa học ở trường đời ngày trẻ dại đã giúp ông tìm phương hướng mỗi lúc nguy nan.

Steve Jobs lập gia đình và mở một công ty mới, Pixar. Nhiều năm sau, Apple đứng trên bờ vực sụp đổ. Ban lãnh đạo không biết làm gì với công ty đó và họ đã tìm đến Jobs để cứu vãn tình hình. Ông quay lại Apple, vực dậy đứa con của mình bằng chiến dịch nổi tiếng “Think Different”. Steve Jobs chỉ rời khỏi vị trí CEO khi sức khỏe đã yếu và phát bệnh ung thư.

Khi lên phát biểu ở Đại học Stanford, ông rất gầy. Trong bộ áo cử nhân rộng thùng thình, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Apple nhấn mạnh cụm từ “Connecting the dots”.

"Bạn không thể nhìn về tương lai để xâu chuỗi các sự kiện. Bạn chỉ có thể nhìn về quá khứ. Bởi vậy, bạn cần phải tin vào từng sự việc bạn đang trải nghiệm một cách nào đó sẽ liên kết với nhau trong tương lai. Bạn cần phải tin vào một điều gì đó – trực giác, định mệnh, cuộc đời, nghiệp quả, gì cũng được".

Steve Jobs
Steve Jobs và câu nói nổi tiếng của ông

Từ quan điểm trên, ta hiểu rằng tất cả việc bạn làm – bao gồm đọc bài viết này cũng mang đến trải nghiệm để tích lũy. Chúng là những dấu chấm – the dots. Càng trải nghiệm nhiều thì trang giấy cuộc đời càng được phủ kín bởi những dấu chấm. “Connecting the dots” là kỹ năng kết nối tất cả dấu chấm ấy để tạo nên một bức tranh, có thể là chìa khóa giải quyết một vấn đề ở hiện tại.

Chúng ta cần làm gì để “nối” được một bức tranh tương lai tốt đẹp?

Cuộc đời vốn là một trò chơi nối điểm. Chỉ có điều, kết quả trò chơi ấy chỉ hiện ra khi ta đủ lớn và có thể nhìn lại quá khứ với thái độ biết ơn. Là người chơi, ta chỉ có thể cố gắng trong hiện tại và tin tưởng vào lựa chọn của mình.

Sự chênh vênh thường trực không hẳn vì thiếu tiền, thiếu tình yêu của người xung quanh hoặc thiếu thời gian để theo đuổi mơ ước. Chúng ta chênh vênh vì tiếc nuối chuyện quá khứ, mơ hồ trong hiện tại và hoài nghi về tương lai. Khi thiếu niềm tin vào bản thân, khi không biết cách tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm, chúng ta sẽ chênh vênh ở mọi giai đoạn cuộc đời.

Mình đã từng chán nản khi mới vào đại học, đã từng bảo lưu, đã từng làm trái ngành và cũng thất bại đôi lần trong tình yêu. mình cũng từng chấp nhận đọc hết những chồng tài liệu dày cộp chỉ vì tin rằng “tương lai sẽ cần đến”. Hôm nay, khi tạm nhìn lại 10 năm từ ngày đầu bước vào Ngoại giao, mình vừa nhận ra đó cũng là một phần của trò chơi nối điểm.

Chúc các bạn sẽ lắng nghe trực giác và trái tim mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Trò chơi nối điểm vẫn còn tiếp diễn, chỉ là chưa đến lúc ta nhìn lại quá khứ và tìm thấy đáp án hoàn chỉnh mà thôi.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận