Đọc sách gì để viết tốt?

13 Views

(1941 chữ, 6 phút, 28 giây đọc)

Tôi đã nghe đến cả trăm lần những câu hỏi về việc đọc sách để cải thiện kỹ năng viết. Có lẽ nhiều học sinh và cả người lớn luôn băn khoăn về việc ”đọc gì đó” để viết thật mượt. Nhưng viết lách nói chung và viết văn nói riêng không phải kỹ năng hình thành nhờ 1 cuốn sách nào đó. Đặc biệt, văn mẫu lại càng không!

Tôi là 1 học sinh chuyên Ngữ (cấp II chuyên Anh, cấp III chuyên Pháp) và cũng hiếm khi mua văn mẫu để học viết. Vậy mà 10 năm trước, tên tôi vẫn xuất hiện trong cuốn sách mà thầy giáo dạy Văn của tôi làm chủ biên. Lý do nào để một kẻ ngoại đạo lại có vinh dự ấy?

Vì tôi chăm đọc!

Tôi bắt đầu đọc sách không phải vì muốn viết tốt

Bắt đầu từ những năm lớp 3, tôi bắt đầu đọc nhiều. Không phải vì ai ép uổng hay thúc giục, tôi đọc vì tò mò. Dù ở lớp hay ở nhà, những điều mới mẻ liên tục xuất hiện khiến tôi cảm thấy thế giới thật khó hiểu…

Nước Mỹ là gì? Pháp ở đâu? Hà Nội có gì hay? Thế nào là Văn minh Ai Cập? Tại sao vua Tần lại bị ghét? Tào Tháo là ai? Đôi khi, tôi còn thắc mắc vì sao lá cây lại rụng mỗi sớm mai để hai chị em còng lưng quét hoài không sạch. Thật là tức quá đi mất!

Sự tò mò ấy khiến tôi phải tìm gì đó để giải đáp. Vậy là tôi đọc và chăm chỉ xem các chương trình về Khoa học tự nhiên trên VTV2. Ở những năm cấp I, tôi đã “tiêu thụ” nội dung khổng lồ về văn hoá, lịch sử và văn học nước ngoài. Bố tôi đã tài trợ không ít tài nguyên để tôi tìm hiểu về cuộc sống. Bố còn mua 1 tấm bản đồ thế giới treo trong phòng khách và rủ con gái xem thời sự mỗi ngày.

Cứ thế, lên cấp II, tủ sách lại đầy thêm. Một vài tập truyện tranh nổi tiếng, sách văn học Việt Nam, những giai thoại về vĩ nhân hoặc các sự kiện lịch sử của nhân loại. Ở tuổi vị thành niên, tôi tiếp tục lao đầu vào tiểu thuyết kinh điển, sách văn hoá, ngoại giao, báo và tạp chí về lối sống và thỉnh thoảng cũng có đôi cuốn self-help.

Trời ơi, sao thế giới này có nhiều thứ mập mờ và hay ho đến thế? Mình phải tìm hiểu hết!!!

Đọc sách (1)
Hiệu sách là "ngôi nhà thứ hai" ^^
Đọc sách (2)
Đọc sách không giới hạn thể loại

Không học thêm, không văn mẫu cũng học tốt môn Văn

Về việc học văn thì khá đơn giản, nói ít ai tin nhưng sự thật là đến lớp 12 tôi mới biết thế nào là học thêm Văn, tôi cũng không đọc nhiều văn mẫu. Giáo viên tôi theo học chính là người thầy đáng kính ở đầu bài viết. Còn lại, tôi chỉ học kỹ kiến thức sách giáo khoa qua những buổi học trên trường và về nhà luyện một vài đề cơ bản.

Mỗi giờ thi Văn, từ năm 10 tuổi, tôi đều đọc đề rất kỹ để biết được người chấm sẽ cần gì ở mình. Một vài phút sau dành cho việc lập dàn ý trên nháp. Còn lại, tôi cắm mặt viết hết cái này đến cái khác. Đơn giản vì trong đầu có quá nhiều thứ đã ở sẵn đó rồi, chữ nghĩa và kiến thức đã được tích lũy sau những năm đọc sách.

Có lần, thầy tôi đứng bên cạnh, tôi vẫn kệ và tập trung viết say mê. Hết buổi học, thầy gọi ra ngoài và bảo:

Em có dự định theo đuổi môn Pháp không? Nếu không thì có thể sang học đội tuyển Văn, thầy sẽ bồi dưỡng để đi thi các cấp.

Tôi đã cảm ơn thầy và từ chối. Thỉnh thoảng có bài kiểm tra, thầy đi quanh lớp rồi lại dừng ở bên cạnh bàn một lúc lâu để quan sát những dòng chữ tôi vừa viết.

Tôi biết rất nhiều người luôn trăn trở vì điểm số môn Văn và cả công việc viết lách mà mình đã chọn. Các bạn bối rối trước những đề bài và đau đầu tìm kiếm một vài cuốn sách như giải pháp thần kỳ cho tất thảy. Nhưng cuối cùng, chúng ta không thể viết nhiều hơn những gì mình sống.

Sống đến đâu, viết đến đấy!

Trải nghiệm sẽ là dòng nước chảy để nuôi dưỡng mạch cảm xúc và cách tư duy của bạn. Trải nghiệm đó có thể là trực tiếp, do bạn va vấp mà có. Đôi khi, nó tồn tại dưới dạng gián tiếp, nhờ đọc sách và thả mình trôi theo trang giấy rồi lặng lẽ hình thành. Cả hai đều đáng quý!

Đọc gì để viết tốt? Câu trả lời là hãy đọc những gì bạn quan tâm và viết về chúng. Ở phạm vi hẹp hơn trong môi trường giáo dục, hãy đọc sách nhóm ngành khoa học xã hội (văn, sử, địa, tâm lý học, truyền thông,…) để làm giàu vốn hiểu biết và cả vốn từ. Đọc vì mình trước khi vì điểm số!

Tôi chưa bao giờ cố đọc gì đó để được điểm Văn cao vút. Tôi đọc để giải tỏa sự tò mò về thế giới, để hiểu hơn về những gì đang xuất hiện ngoài kia, để có thêm những trải nghiệm ngọt ngào qua trang sách. Điểm Văn cao là một món quà đi kèm.

Nếu bạn là một học sinh, đừng giới hạn sự ham học trọng điểm số. Điểm có thể cao hoặc thấp, nhưng bạn sẽ không dừng lại việc tìm tòi và nâng cao kiến thức sâu rộng của mình.

Nếu bạn là phụ huynh, hãy tạo điều kiện và làm gương cho con cái trong việc đọc và khám phá thế giới. Đôi khi, một tấm bản đồ chỉ 30 ngàn sẽ tạo ra những chuyến bay quốc tế cho con bạn sau 20 năm nữa.

Nếu bạn là giáo viên? Điểm số không phải điều quan trọng nhất của giáo dục. Sư phạm vốn là nghề tạo ra giá trị bền vững, thầy cô là người kiến tạo lối tư duy, lối sống và thái độ học tập cho học trò.

Hiểu được tầm quan trọng của hoạt động đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, tư duy cũng như nâng cao kỹ năng viết lách, tôi và những người bạn đã cùng tạo nên Thư viện số Yên Văn – nơi cung cấp tài liệu số hóa về văn học, lịch sử, văn hóa, địa lý… Tôi rất hy vọng điều này sẽ hữu ích với thầy cô, học sinh và phụ huynh.

Đọc sách
Ảnh tôi chụp trong một lần đi mua thêm mấy cuốn văn học Việt Nam để ôn lại tuổi thơ ^^. Sách gì cũng đọc mà

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận