Dưới ánh mặt trời, đâu mới là nghề đáng quý?

1538 Views

(1766 chữ, 5 phút, 53 giây đọc)

Những năm gần đây, “bình đẳng, công bằng” trở thành xu hướng thời thượng của cư dân mạng. Chúng ta nói về nó, đấu tranh cho nó, phát cuồng vì nó,… trong khi chưa chắc đã hiểu rõ nó là gì. Cách ta nhìn nhận về nghề nghiệp cũng như vậy.

Công bằng không có nghĩa là cào bằng. Dù tỏ ra không phân biệt nhưng đánh đồng mọi việc đều như nhau cũng là một dạng bất công. Ta vẫn cúi gập người chào cô lao công hay niềm nở chào hỏi anh bảo vệ. Nhưng nếu được lựa chọn, ta có thật sự mong con mình làm công việc đó hay không? Hỏi đã là tự trả lời.

Vậy thì, dưới ánh mặt trời, đâu mới thật sự là nghề đáng quý?(*) 

Điều kiện cần: Vai trò của công việc

Để một xã hội vận hành nhịp nhàng, chúng ta cần rất nhiều nhân lực với những nhiệm vụ khác nhau. Chỉ tới khi giãn cách thật lâu, ta mới thấy cô bán hàng rong cũng đáng để thương nhớ. Và trong Covid, ta chợt nhận ra y bác sĩ quan trọng đến nhường nào.

Con người cần đủ thứ để tồn tại, trước hết là…hơi thở. Sức khỏe được xem như tài sản quý nhất, và ai là người chăm sóc cho ta lúc bệnh tật ốm đau? Bác sĩ chứ còn ai! Vậy có công bằng không khi cho rằng nghề Y cũng “quan trọng” như mọi nghề khác?

Năm 2003, khi TV đưa tin về dịch SARS làm nhiều bác sĩ ra đi tại viện Việt Pháp, bố con mình đã trao đổi về sự phân hóa nghề nghiệp. Xuất thân gia đình thuần nông, nhưng bố khuyên mình không nên làm ruộng vì “giá trị lao động không đáng kể”. Thay vào đó, “con học cố đi, có thể làm nhiều việc khác, như là cô giáo”.

Bạn có thắc mắc vì sao nghề giáo cũng có vai trò lớn không? Bởi vì nếu được đến trường, được dìu dắt tận tình bởi thầy cô, đứa trẻ nào cũng có cơ hội trở thành bác sĩ, chính trị gia, tỷ phú, nhà khoa học,… Người giáo viên mang lại kiến thức nhưng cũng chắp cánh ước mơ và tác động đến tâm hồn, nhân cách của trẻ thơ. Nếu vẫn không tin, bạn có thể đọc lại tiểu sử của hàng loạt vĩ nhân trên thế giới. Họ thường gặp một (vài) người thầy vĩ đại trước khi thực sự trở thành vĩ nhân.

Mỗi công việc đều có một vai trò và đem lại những giá trị riêng. Dù hữu hình hoặc vô hình, nhưng nếu đủ lớn thì đều quan trọng. Nhưng giá trị đến từ đâu? Đó là lý do ta phải có tiêu chí tiếp theo.  

Điều kiện đủ: Cái tâm của người lao động

Một vài người cho rằng chỉ cần mặc áo blouse hoặc ngồi trên bục giảng thì bản thân nghiễm nhiên thành quan trọng và cao quý. Đó là một ảo tưởng. Để thực sự tạo ra giá trị, mỗi người đều phải nỗ lực lao động và dồn vào đó cả “cái tâm”. Chúng ta làm việc với tinh thần trách nhiệm và không ngừng học hỏi để đạt đến “cái tầm”. Sau chặng đường dài cố gắng ta mới có đóng góp đáng kể cho xã hội.

Bao năm đi học, có những thầy cô mình luôn về thăm mỗi khi có dịp. Nhưng cũng có những người thầy, mình không bao giờ muốn gặp lại lần hai. Nghề Y cũng vậy. Khoác lên mình tấm áo, có người được bệnh nhân và học trò cảm tạ và tri ân ngay cả khi đã qua đời. Nhưng cũng có người vẫn sống sờ sờ mà cái tên cũng gây phẫn nộ.

Đảm nhận những công việc quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn với cộng đồng, mỗi người lại càng thận trọng hơn trong thái độ lẫn hành vi. Đôi khi, thầy cô chỉ nói lỡ một câu mà đứa trẻ tổn thương suốt một đời. Bác sĩ chỉ sơ suất một chút là bệnh nhân gặp đại họa.

Nghề nghiệp có sự phân hóa là thật, nhưng theo chiều ngang. Những nhóm nghề này được chia theo từng vai trò lớn nhỏ khác nhau: duy trì hòa bình, đảm bảo an sinh, phát triển xã hội… Tuy nhiên, đứng sau mỗi công việc vẫn là con người. Cái tâm của người lao động mới thật sự quyết định giá trị cho nghề nghiệp. Làm nghề gì đi nữa, hãy luôn trăn trở để cải thiện chất lượng và hoàn thiện bản thân.

Việc “coi nhẹ” một số công việc quan trọng là tư duy tiêu cực kéo lùi sự phát triển chung. Quan niệm ấy khiến nhân sự trong ngành buông thả mình hơn và cũng làm giảm tầm vóc của nghề trong xã hội. Đất nước sẽ về đâu nếu ngày càng ít nhà khoa học, bác sĩ, giáo viên, quân nhân, nhà báo, kỹ sư,…? 

Nghề nào cũng đáng được trân trọng, nhưng mức độ “quan trọng” thì không giống nhau. Quan trọng hơn thì đáng quý hơn. Công bằng là khi ta nhìn nhận đúng về trách nhiệm và đóng góp của công việc trong đời sống, từ đó có những chính sách đào tạo nhân lực và mức đãi ngộ khác nhau. Bình đẳng – công bằng là một cuộc đấu tranh gian khổ và dài lâu, cần sự công tâm và tư duy đa chiều, sâu sắc. Không thể buông một câu “nghề nào cũng như nhau” rồi gọi đó là sự công bằng.

Đó là cào bằng, là bất công!

*Câu nguyên gốc: Dưới ánh mặt trời, nghề dạy học luôn là cao quý nhất! Đây là câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục Comenxki. Rất tiếc, mình không đồng ý với từ “cao quý”. Bởi vì trái nghĩa với cao quý là thấp hèn. Trong mắt mình, công việc không có sang hèn. Người giáo viên hay bác sĩ cũng có lúc phải đi quét phòng hoặc thay bỉm. Ai cũng có lúc phải làm những việc “bình thường”. 

Theo mình, nghề nghiệp không phân tầng cao thấp theo chiều dọc, mà phân hóa rộng hẹp theo chiều ngang. Ta nỗ lực tạo ra giá trị cho cộng đồng, ta không cố gắng để đứng trên người khác.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

9 bình luận về “Dưới ánh mặt trời, đâu mới là nghề đáng quý?”

  1. Thích nhất câu cuối cùng ạ <3
    Nhưng đọc xong có nhiều vấn đề em chưa hiểu ý chị lắm. Tại sao "cái tâm" lại là tiêu chí để đánh giá tầm quan trọng của một công việc? Theo em "cái tâm" ảnh hưởng tới cá nhân làm trong công việc đó, còn sự quan trọng là theo nhu cầu của thị trường, độc lập với cái tâm của người làm nghề. Hay ý chị "giá trị công việc" ở đây là chính bản thân người làm nghề đó cảm thấy mình có giá trị ạ?

    Bình luận
    • Đúng rồi, người lao động phải có cái tâm thì mới tạo nên cái tầm em ơi. Anh đảm nhận nghề bác sĩ mà anh vô tâm, thì giá trị anh tạo ra có khi còn không bằng 1 công viêc lao động chân tay. À, với cả chúng ta đánh giá giá trị lao động theo nhu cầu của XÃ HỘI, không phải nhu cầu thị trường. Xã hội và thị trường là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn đó hiihii 😛

      Bình luận
    • Hello An chị vừa sửa lại bài viết để đỡ nhầm lẫn. Khi dùng từ giá trị đúng là dễ gây lú vì có nhiều học thuyết về giá trị lao động và không diễn đạt hết nội dung của bài. Em có thể đọc lại nhé. Cảm ơn câu hỏi của em rất nhiều nèeee

      Bình luận
  2. Cô giáo viết hay quá!
    Theo mình nghĩ giá trị của công việc là ở chỗ đem lại gì cho người khác. Một người không có đạo đức hoặc thiếu kỹ năng nghề nghiệp thì tất yếu sản phẩm sẽ không ra gì và giá trị đem lại cho đối tượng phục vụ là rất thấp. Đặc biệt trong nghề y hay nghề giáo, sản phẩm là sức khỏe – tính mạng và sự phát triển hoàn thiện bản thân nên giá trị rất lớn. Bù lại đòi hỏi người lao động phải đặt cả tâm huyết vào công việc. Mình tâm đắc 1 câu trong quyển Khi hơi thở hóa thinh không: “Sự xuất sắc về kỹ thuật là một đòi hỏi về đạo đức”. Việc rèn luyện kỹ năng, kiến thức là một đòi hỏi của cái tâm nghề nghiệp. Cái tầm có lẽ là tổng hợp cả thái độ, kiến thức, kỹ năng chăng.
    Còn việc được đãi ngộ, trả công bao nhiêu lại phụ thuộc vào nhìn nhận của ng khác, của xã hội và không phải là giá trị công việc.

    Bình luận
  3. Cô giáo viết hay quá!
    Theo mình nghĩ giá trị của công việc là ở chỗ đem lại gì cho người khác. Một người không có đạo đức hoặc thiếu kỹ năng nghề nghiệp thì tất yếu sản phẩm sẽ không ra gì và giá trị đem lại cho đối tượng phục vụ là rất thấp. Đặc biệt trong nghề y hay nghề giáo, sản phẩm là sức khỏe – tính mạng và sự phát triển hoàn thiện bản thân nên giá trị rất lớn. Bù lại đòi hỏi người lao động phải đặt cả tâm huyết vào công việc. Mình tâm đắc 1 câu trong quyển Khi hơi thở hóa thinh không: “Sự xuất sắc về kỹ thuật là một đòi hỏi về đạo đức”. Việc rèn luyện kỹ năng, kiến thức là một đòi hỏi của cái tâm nghề nghiệp. Cái tầm có lẽ là tổng hợp cả thái độ, kiến thức, kỹ năng chăng.
    Còn việc được đãi ngộ, trả công bao nhiêu lại phụ thuộc vào nhìn nhận của ng khác, của xã hội và không phải là giá trị công việc.
    Và bạn nói đúng, bác sỹ nào cũng từng phải bưng bô đổ vịt. Hiện tại, mình vẫn thay bỉm cho bệnh nhân COVID cùng các bạn điều dưỡng và không thấy có gì là sang hèn ở đây cả.

    Bình luận
  4. Xin phép được tản mạn đôi dòng: Nghề nghiệp và phân công lao động của xã hội dưới góc nhìn của người làm việc trong ngành y.
    Trong mỗi cơ thể, quá trình từ một loại tế bào (tế bào gốc), biến đổi phân hóa thành những loại tế bào khác nhau chuyên biệt hơn với những đặc điểm rất khác nhau (dù có cùng chung một bộ gen), được gọi là sự biệt hóa tế bào, hình thành nên các hệ thống cơ quan chức năng khác nhau tương ứng, cùng phối hợp hài hòa thống nhất tạo nên một cơ thể. Tất cả các cơ quan chức năng trong cơ thể đều cần thiết cả. Nhưng mà, không thể nào nói rằng lỡ loét một mảng da lông tóc móng cũng chẳng khác chi sứt mẻ một phần nào đó của bộ não hoặc của trái tim được.
    Tương tự trong một xã hội, luôn có những nhóm người hỗ trợ nhau và đối nghịch nhau ở từng mức độ, hình thành nên những quy tắc, giá trị, chuẩn mực xã hội,… khác nhau, tất cả cùng nhau tạo nên những nền tảng của xã hội. Trong đó, phân công lao động là chuyên môn hóa theo từng chức năng ngành nghề khác nhau, tạo ra những loại sản phẩm khác nhau đi kèm với “giá trị thực” nhất định nào đó tương ứng. Không bao giờ có chuyện một giá tiền gắn chung cho mọi sản phẩm được.
    “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”. Thật hết sức khập khiễng khi “quyền bình đẳng” trong bản tuyên ngôn được hiểu theo nghĩa đồng nhất với “giá trị sản phẩm của mọi ngành nghề”. Thiết nghĩ câu chuyện “Dưới ánh mặt trời…” của tác giả có lẽ đã rõ ràng rồi: “Công bằng không có nghĩa là cào bằng”.
    Câu chuyện chưa dứt: “Người nào việc đó” hay “ai đâu chỗ đấy”. Mỗi một trong chúng ta nên lựa chọn cho mình một công việc, một vị trí nào đó sao cho thích hợp với chuyên môn và trình độ của mình, chớ đừng vì một lý do nào đó mà “lộn chỗ, lạc chỗ”… “An cư lạc nghiệp”, “nghề nào nghiệp đó”, chớ dại mà đùa với “cái nghiệp” của mình. Hiển nhiên là vậy rồi, có vẻ miễn bàn thêm. Nhưng mà, theo tôi, câu chuyện chưa dứt này vẫn đang là một thực trạng hiện nay ở nước ta cần được nói đến.
    Cũng như trong bệnh lý học, hiện tượng các mô có chứa tế bào biệt hóa kém hoặc biệt hóa nửa vời không đến nơi đến chốn… vẫn thường xảy ra. Không may là những tế bào không bình thường loại này phân chia cực nhanh không kiểm soát, di chuyển lạc chỗ lung tung, có nghĩa là ác tính, là ung thư; nhất thiết phải được điều trị tích cực kịp thời, càng sớm càng tốt. Nếu không, các tế bào ác tính đó sẽ lan rộng và di căn khắp cơ thể. Đến lúc đó thì… ôi thôi rồi!
    Xã hội cũng như cơ thể của chúng ta, cấu trúc và cơ chế hoạt động ở trạng thái bình thường cũng như trong bệnh lý, có lẽ chẳng khác chi nhau.
    Chúc mọi người sức khỏe và an toàn vượt qua đại dịch này.
    PS. Người viết comment này không phải là một sociologist, nên không biết có bị… “lộn chỗ” hay không nữa.

    Bình luận
  5. Bài viết rất hay. Theo mình nghĩ nghề nào cũng đáng quý là người ta xét đến góc độ nhân quyền không đánh giá về giá trị nghề nghiệp. Đồng ý, công bằng không có nghĩa là cào bằng. Phải có những mắc xích quan trọng, những con người nòng cốt, những con người đi đầu mới có thể tạo nên đột phá. Và mỗi cá nhân phải đặt cái tâm vào nghề nghiệp mới tạo nên những giá trị thực sự. Cảm ơn tác giả!

    Bình luận

Viết một bình luận