Giáo dục không áp đặt, khó vẫn làm được!

710 Views

(1811 chữ, 6 phút, 2 giây đọc)

Sắp xếp mãi mới được một ngày cuối tuần đi chơi với con, vậy mà mất gần 30 phút “delay” chỉ vì con không chào, không xin phép ba khi đi ra ngoài. Lý do: con đang dỗi ba.

Là mẹ của con, là người lớn, mình hoàn toàn có quyền quát con 1 trận và bắt đứng xó. Thậm chí dùng vũ lực để yêu cầu con chào ba. Nhưng mình đã chọn ngồi xuống để trò chuyện và gỡ rối, giải thích và thuyết phục. Dù mất thời gian, dù rất nản lòng vì 5 lần 7 lượt cứ đến đoạn ra xin phép thì con lại đổi ý. Bạn ấy chạy ù ra cửa mếu máo “con phải đi chơi luôn cơ, không chào đâu”…

Đã từng là con – là học sinh, khi lớn lên được làm mẹ – cô giáo, mình luôn cố gắng nhớ về những rắc rối ngày đi học và đặt bản thân vào vị trí của trẻ trước khi quyết định một vấn đề. Thật lòng, mình ghét sự áp đặt.

Tuổi thơ của mình không chỉ có niềm vui, bên cạnh đó còn nhiều nỗi ấm ức và khó chịu. Chặng đường học hành cũng vậy, có thầy cô cực kỳ tâm lý nhưng cũng không ít người hơi tí là quát tháo và mạt sát học sinh. Đã đi qua cả những hạnh phúc lẫn muộn phiền khi làm con trẻ, mình luôn tự nhủ sẽ không gieo nỗi đau ngày bé vào thế hệ tương lai. Các em vẫn có thể phát triển toàn diện với sự nghiêm khắc và văn minh, không ép buộc hay tiêu cực.

Để làm được điều đó, người lớn – cha mẹ, thầy cô,… cần phải đủ kiên nhẫn và yêu thương để thực hành rất nhiều việc. Chẳng hạn như,…

Điều 1: Giải thích cặn kẽ vấn đề và cho con lựa chọn

Với quyền lực của người làm cha mẹ hoặc giáo viên, ta có thể ép trẻ làm rất nhiều việc. Tuy nhiên, chúng sẽ không phục. Có thể các con vẫn làm theo nhưng đi kèm sự chống đối và bất mãn. Hoặc con sẽ “vâng dạ” cho xong rồi đi một con đường trái ngược. Đây là nguồn cơn của nhiều ấm ức gây chia rẽ trong quan hệ. Từ đó, người lớn mất đi kết nối với trẻ và dễ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau.

Chúng ta thường nghe rằng “khi muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ vì sao bạn lại bắt đầu”. Mục đích của hành động luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình. Không có mục đích, mọi thứ đều trở thành vô nghĩa. Vậy nên thay vì ép con trẻ làm 1 điều gì đó theo mệnh lệnh, hãy kiên nhẫn giải thích cho các bạn ấy hiểu được mục đích và câu chuyện ở đằng sau. Đó mới là động lực để các bạn cố gắng và nghiêm túc với công việc của mình.

Ở tình huống phía trên, cách giải quyết của mình gồm có:

– Giải thích về tầm quan trọng của việc xin phép người lớn khi ra khỏi nhà

– Chứng minh về nỗi lo lắng và bất an khi người thân rời đi không báo trước

– Lấy ví dụ cho con hình dung ra vấn đề, đặt tình huống ngược lại

– Đưa ra đề xuất cho con lựa chọn: nếu chào hỏi thì sẽ ra sao, không chào hỏi thì kết quả như thế nào, nguyên tắc này có ngoại lệ hay không,…

Trong lúc nói chuyện, mình ngồi thấp xuống ngang tầm mắt của con. Khi con không lý sự được và bật khóc, mình không cưng nựng nhưng có ôm ấp, lau nước mắt và nói con bình tĩnh. Sau nửa tiếng, bạn ấy bước đến cạnh bố, lí nhí “chào bố” rồi đi chơi.  

Điều 2: Lắng nghe để thấu hiểu trước khi phán xét

Là thầy cô hay cha mẹ, chúng ta dễ gặp những hành vi chống đối của trẻ, sự chểnh mảng khi học hành hoặc thiếu ý thức trong gia đình. Việc đầu tiên người lớn có thể làm là… buồn. Việc thứ hai nên làm, đó là cố gắng nói chuyện để tìm hiểu vấn đề. Ai cũng có những nỗi niềm và khúc mắc, nếu chuyện đó dẫn đến hành vi tiêu cực thì rất cần có sự sẻ chia. Phán xét và gắn lên trẻ những cái mác “hư đốn, kém cỏi” luôn dễ hơn việc đi tìm lý do ẩn giấu phía sau. Thật ra, nguyên nhân gốc rễ mới là điều cần giải quyết triệt để.

Có lần, học trò lớp 7 mới qua Pháp sau nửa năm học, mình vẫn cố duy trì dạy 1-1 để kèm thêm cho con làm quen với môi trường. Bỗng 1 tuần liền, con không chịu làm bài và bày tỏ thái độ bất cần. Hôm đó đến giờ, cô không dạy, ngồi nói chuyện với con hết hai tiếng. Nguyên một tiếng đầu là nghe con tâm sự và than thở. Con mếu máo xong nức nở khóc kể chuyện nhớ nhà, không quen trường lớp, không thích đồ ăn ở căng tin và ti tỉ những thứ khác. Và “con không muốn ba mẹ buồn nên không nói, mặc dù con khó chịu”. Sau đó mới đến màn dỗ dành, chia sẻ và định hướng lại về cách giải quyết.

Trước những tình huống đó, nếu giáo viên quát mắng và mách lại với ba mẹ, rồi phạt và ép con phải làm bài gấp 3,… thì không biết câu chuyện còn đi xa đến đâu. Và để các con chia sẻ, bố mẹ – thầy cô phải tạo được niềm tin và sự gắn kết đủ sâu. Làm thế nào, mời các bạn đọc lại điều 1.

Để con được lớn

Trong quá trình nuôi con hay đi dạy, mong rằng người lớn hãy cố gắng không quát mắng hay trách phạt thường xuyên. Không áp đặt cả hành vi lẫn tư tưởng, thái độ lên các em. Dù học sinh không nói, người lớn vẫn cần hiểu nhu cầu được lắng nghe, được tôn trọng và được đối xử như những người trưởng thành.

Giáo dục không áp đặt là một điều khó, thầy cô, cha mẹ vẫn đang phải học hỏi và điều chỉnh mỗi ngày để tìm ra những hướng đi tốt nhất. Và cũng mong rằng các con, các bạn học sinh, sinh viên, những người (sắp) trưởng thành cũng nhận thức được vai trò, nghĩa vụ của mình để giáo dục & đào tạo sẽ hiệu quả, vui vẻ và nhẹ nhàng hơn.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Share on facebook
5/5

3 bình luận về “Giáo dục không áp đặt, khó vẫn làm được!”

  1. Em cảm thấy rất may mắn khi mình đọc được những điều này của chị. Hiện tại em đang là sinh viên năm nhất trường sư phạm, khoa Ngữ Văn, trong tương lai em sẽ là một giáo viên. Và em nghĩ rằng việc giáo dục con cái hay việc dạy học luôn cần đến sự lắng nghe, thấu hiểu. Giáo dục không áp đặt không có nghĩa là giáo dục theo chiều hướng buông thả, tự do và mất kiểm soát. Giáo dục không áp đặt được đặt trong dấu ngoặc kép, “áp đặt” trong điều kiện “không áp đặt”, hay nói nôm na rằng, giáo dục không áp đặt về hình thức nhưng tự thân nó tạo ra áp đặt vô hình trong tiềm thức học sinh. Từ việc nhận thức, thấu hiểu, đồng cảm đã mở ra cánh cửa mới để các em cảm thấy rằng, họ nên phấn đấu học tập vì chính bản thân mình, họ tự áp đặt mình mà không phải là ai khác. Và qua đây, nếu chị đọc được bình luận của em thì mong chị sẽ hồi đáp em với vấn đề mà em rất cần thêm ý kiến, suy nghĩ từ chị, đó là “giáo dục phát triển trí tuệ học sinh”, làm cách nào để phát triển trí tuệ học sinh một cách tốt nhất, toàn diện nhất. Đó vẫn là câu hỏi đang bỏ ngõ mà em chưa thể tìm ra câu trả lời đầy đủ nhất dành cho bản thân mình, rất mong và đón nhận phản hồi từ chị.

    Bình luận
  2. Chào chị không biết những câu nói này của em có thể được chị nhìn thấy và đọc hay không nhưng bản thân em-một học sinh lớp 9 chuẩn bị bước vào kì thi chuyển cấp em cảm thấy rất lo lắng,không biết mình cần phải nhìn nhận và bắt đầu từ đâu.Em vốn là một học sinh không giỏi văn vào một lần khi đang lướt youtube để tìm kiếm phương hướng cho bản thân mình thì em bắt gặp kênh youtube”Triệu Nguyễn Huyền Trang”.Với ấn tượng ban đầu đây là một kênh chia sẻ về phương pháp học văn em đã dừng tay và nhấn đúp chuột vào màn hình.Trước mắt hiện lên là một người em không hề quen biết nhưng lại gợi cho em một cảm giác thân quen đến lạ thường,chị cất tiêng chào tiếng chào ấy làm em nhớ mãi đến bây giờ.Với cảm giác đó cảm giác thân quen đã thôi thúc con người ta lướt xuống xem “content” của video là gì.Một chủ đề mà hiếm thấy một nhà sáng tạo nội dung có:Học văn 9 để gặp những ai?.Con người vốn là một giống loài có sự hiếu kì cao luôn mày mò đề tìm hiểu những thứ mới em cũng thế cũng hiếu kì cùng muốn biết học văn chín để gặp những ai.Chị đã giới thiệu bản thân mình tên gì,là ai,làm cống việc gì đặc biết ấn tượng với lí tưởng mà chị và bộ trưởng bộ giáo dục đang theo đuổi đó là”HỌC HÀNH THỰC CHẤT KHÔNG CHÉP VĂN MẪU”.Trên con thuyền để đến đạt được lí tưởng đó không chỉ có mình hai huyền trưởng mà còn rất nhiều thủy thủ đoàn đó là những người “đồng chí”.Hòa lẫn với lí tưởng đó là sự băn khoăn của em,bình thường trên lớp cô em cúng chỉ cho chép và bắt học sinh học thuộc nó tạo cho em một cảm giác gò bó,không được tự do.em là một con người ưa sự tự do không muốn bị kìm hãm nhưng tại thời điểm đó em đang chịu rất nhiều áp lực cả về điểm số hiện tại lẫn tương lai sau này.Giường như em mất niềm tin vào môn văn nhg nhờ chính những clip của chị em đã tìm được niềm yêu nieemf tin vào môn văn.Quan điểm của em cũng giống như chị muốn học văn bằng chính kiến thức của mình k nhờ chép mẫu gì cả .

    Bình luận
    • Hihi chào Khoa, chị Trang đã đọc được bình luận của em rồi nhé! Cảm ơn em đã dành thời gian để xem video và còn vào đây chia sẻ cùng chị nữa. Chúc em sẽ thành công và tìm thấy nhiều niềm vui trong việc học tập! Chị Trang.

      Bình luận

Viết một bình luận