(1455 chữ, 4 phút, 51 giây đọc)
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, có con đường nhỏ, có hành trình mới, cánh cổng trường mở ra với vòng tay của bè bạn, thầy cô… Bạn đã nhận ra hình ảnh đó ở đâu chưa? Khung cảnh quen thuộc ấy nằm trong truyện ngắn “Tôi đi học” của ông Thanh Tịnh và ngủ yên trong ký ức của chính chúng ta.
Khi đọc sách, tâm trí tôi thường lưu lại nội dung theo hai nhóm chính: nói hộ lòng mình hoặc khuấy động nội tâm. Mấy dòng ở trên thuộc nhóm đầu tiên, đó là đoạn văn như tiếng lòng tôi đang thủ thỉ. Còn đây mới là câu văn khiến tôi lăn tăn nghĩ ngợi.
Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa?
Lũ trẻ trong truyện im lặng không trả lời, giờ đến lượt bạn. Còn tôi? Tôi không nghe.
Đi học vì điều gì và vì ai?
Ngày còn đi học, khi đọc đến lời thoại trên của “ông đốc trường Mỹ Lý”, lòng tôi cuộn sóng. Tôi phải đứng lên tranh luận với thầy giáo một vài câu. Nếu có ai đó nói rằng “Trang phải chăm chỉ học tập để bố mẹ, thầy cô được vui lòng” – tôi sẽ ở nhà ngủ. Ánh mắt mãn nguyện của người lớn bao giờ là lý do quan trọng nhất để tôi đến trường!!
Ở bậc mẫu giáo, tôi rất hào hứng đi học vì ở lớp có cô giáo đáng yêu, có lũ bạn nghịch ngợm giống mình. Ở nhà chán chết! Tiếc thay, niềm vui ngắn chẳng tày gang và khi vừa vào cấp 1, tôi sợ đi học. Những con chữ loằng ngoằng khó hiểu, dãy số phức tạp học mãi không nhớ, tiếng cô giáo yêu cầu giơ bảng trả lời… Tôi sợ!
“Tại sao con phải đi học?” – tôi đã nhiều lần hỏi bố mẹ mình như thế.
Bố mẹ và bà nội không nói rằng con phải đi học để cả nhà vui lòng, cũng không thẳng thừng yêu cầu tôi “bớt hỏi linh tinh”. Câu trả lời được đưa ra một cách từ tốn và nhẹ nhàng.
“Nhà mình nghèo…” (nghe quen nhỉ!)
Thế gian này có biết bao ông bố bà mẹ dùng mệnh đề “nhà mình nghèo” để bắt đầu khuyên nhủ con cái? Tôi cũng chẳng rõ. Nhưng đúng là nhà tôi không khá giả chút nào hết!
Than nghèo xong, bố còn bồi thêm rằng nếu học tập thật giỏi, con sẽ đến nhiều nơi tốt đẹp hơn, được đi chơi ở những địa điểm nổi tiếng mà ti vi hay đề cập, như là… thủ đô Hà Nội, thậm chí ra nước ngoài?! Bà nội thì dẫn lại câu nói nổi tiếng “lao động là vinh quang”. Vì tôi còn nhỏ, độ tuổi đó cũng chưa thể đi làm kiếm tiền, học tập chính là “công việc” phù hợp nhất. Mẹ bảo rằng đi học cũng tốt, tôi biết đọc biết viết thì về nhà đọc truyện cổ tích rồi viết thư cho mấy đứa em họ,…
Tôi thấy rất hợp lý! Nhưng tất cả những điều ấy vẫn chưa thể thuyết phục tôi hoàn toàn bởi…
… đi học vì sự tò mò về thế giới
Con người ở độ tuổi nào cũng có sự tò mò nhất định. Đặc biệt ở trẻ em, phẩm chất này càng được biểu hiện rõ ràng qua hàng vạn câu hỏi vì sao. Mỗi sáng đứng quét sân, tôi lại bực mình nhìn lên cành cây và thầm trách sao cái lá không xanh mãi? Mùa nước nổi, tôi hoang mang khi đồng ruộng ngập lụt thì nước giếng cũng đục ngầu. Khi đứng cho gà ăn thóc, tôi chợt nghĩ lũ gà liệu có bị táo bón vì nuốt cả vỏ trấu?… Không có ngày nào là tôi ngừng hỏi, ngừng băn khoăn nghĩ ngợi trước những rung động rất khẽ trong cuộc sống của mình.
Để việc đến lớp được diễn ra suôn sẻ, phụ huynh nhà tôi đã không lấy roi doạ đánh, không lớn tiếng quát mắng, cũng không bắt tôi học để giúp người lớn hạnh phúc hân hoan. Bằng những chia sẻ nhẹ nhàng và chân tình, tôi nhận ra việc học sẽ giúp mình trả lời nhiều câu hỏi khó, giúp cuộc sống có thêm điều hay ho. Sau những tiết học đau đầu sẽ là niềm vui, sau những trang viết “cực hình” sẽ là sự mới mẻ đầy thú vị.
Những người thân thiết và đáng tin nhất trong đời đều nói với tôi rằng, việc học sẽ giúp tôi biết nhiều hơn về thế giới ngoài kia.
Khi hiểu được chân lý ấy, tôi đi học.
(Trích trong 1 cuốn sách về Giáo dục mà tôi đang viết với Bloom Books, mãi vẫn ở chương 1).
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.