Kinh nghiệm ghi chép tài liệu khi ôn thi viên chức vào Ngoại giao

18 Views

(1753 chữ, 5 phút, 50 giây đọc)

Mình vốn là học sinh khối D (Toán, Văn và Ngoại ngữ). Lớn lên, khi học sâu hơn vào khối ngành khoa học xã hội, việc đọc và viết là điều chẳng còn xa lạ. Đặc biệt, cứ đến mùa thi là mình lại phải mua thêm vở khổ to để ghi chép cho thoải mái. Chính quá trình ghi chép đã giúp mình nhớ sâu những gì đã học, đồng thời rèn luyện tư duy logic & phản biện để sẵn sàng đối diện với các loại đề bài. Để minh họa về giá trị của việc ghi chép, mình sẽ lấy ví dụ về kỳ thi vào Bộ Ngoại giao cách đây 3 năm. 

1. Sơ bộ về kỳ thi viên chức Ngoại giao

Khi đó, mình hay tin Học viện Ngoại giao (DAV) tuyển dụng giảng viên bằng hình thức thi tuyển, có 3 vòng với khoảng 6 bài thi. Là giảng viên cơ hữu của DAV thì cũng là nhân sự của Bộ Ngoại giao và có thể đi nhiệm kỳ, vì vậy quá trình thi rất phức tạp & khó khăn. Cụ thể:
Vòng 1: Thi viết kiến thức chung (Hành chính, pháp luật, tin học, ngoại ngữ).
Vòng 2: Thi viết kiến thức chuyên ngành (Ngoại giao, chính trị quốc tế, truyền thông quốc tế, văn hóa đối ngoại).
Vòng 3: Giảng thử và phỏng vấn với hội đồng tuyển dụng ( Tất cả các vòng thi đều là song ngữ, mình thi tiếng Việt – tiếng Pháp).
Hồi ấy mình đi làm ở khối tư nhân một thời gian nên kiến thức về ngoại giao, chính trị, truyền thông đối ngoại bị hổng nhiều. Vì vậy, trong khoảng 8 tháng diễn ra kỳ thi này, mình đã đọc lại >20 cuốn sách (bao gồm giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo). Việc đọc và ghi nhớ nội dung rất cực, chưa kể hàng ngày mình vẫn đi làm rất nhiều việc và thường tranh thủ học buổi tối. Thật sự là thời điểm ôn thi rất buồn ngủ và mau chán. Vậy nên mình đã thực hành một số hoạt động ghi chép sau.

2. Một số phương pháp ghi chép khi ôn thi viên chức

2.1. Ghi chép theo sơ đồ cây hoặc theo ý chính-phụ với nội dung dạng giáo trình, sách chuyên khảo
Các cuốn sách giáo khoa, giáo trình, sách chuyên khảo gắn chặt với một môn học. Do đó kiến thức thường đi từ cơ bản đến nâng cao, từ khái quát vào chi tiết. Đối với sách dạng này, ghi theo sơ đồ cây, sơ đồ ý chính-phụ là dễ nhất vì tương thích với nội dung trình bày trong sách. Trước khi đọc, chúng ta cần mở mục lục và suy ngẫm về bố cục của sách vì đó là phần bao quát hết nội dung. Gần như sơ đồ cây sau này sẽ bám theo mục lục, nhưng sẽ chi tiết hơn. 
Việc ghi ghép theo sơ đồ cây, sơ đồ ý chính – phụ ép não của chúng ta phải tư duy logic liên tục nhằm tìm ra luận điểm, luận cứ và ví dụ minh họa trong bài. Vì phải nghĩ nhiều nên ưu điểm là tỉnh táo, không buồn ngủ. Nhược điểm là nhức đầu. Nhưng mà thôi, để thi đỗ thì nhức tí cũng được phải không các bạn?
2.2. Ghi chép theo cột dọc với sách tham khảo, sách bổ trợ
Sách giáo khoa, giáo trình hay sách chuyên khảo thường được viết bởi giới học giả, phục vụ quá trình đào tạo chính quy trong các cơ sở giáo dục. Còn dòng sách tham khảo, bổ trợ thường do các chuyên gia nhiều kinh nghiệm chấp bút. Họ có thể đi dạy, có thể không, nhưng chắc chắn phải có nhiều kinh nghiệm và là một chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể. Đặc điểm của dòng sách này là rất nhiều case study (trường hợp điển hình), sách có cấu trúc linh hoạt, mang theo nhiều quan điểm/nhận định được tác giả rút ra sau quá trình lăn lộn với nghề. Vậy nên mình sẽ ghi chép theo cột dọc.
Cột A: Luận điểm, luận cứ của tác giả, kèm theo một số thông tin thú vị. Điểm ưu việt của dòng sách này là không bị bó buộc bởi nguyên tắc sư phạm nên tác giả thường viết độc lạ, có những cách tiếp cận rất hay.
Cột B: Các thuật ngữ mới (cần phải tự tra cứu), ý kiến phản biện của mình (nghi ngờ không, phản bác không, có tìm thấy điểm mâu thuẫn không…)
Ghi chép kiểu này rèn luyện tư duy logic và phản biện. Chúng ta vừa cần tinh ý nhận ra đâu là ý kiến của người viết, vừa phải liên hệ với thực tiễn xem quan điểm đã đủ thuyết phục chưa. Chắc chắn sẽ đau đầu nhưng bù lại, bạn cực kỳ tỉnh táo. Đọc sách mà như đang tám chuyện với tác giả vậy đó!
2.3. Ghi chép tuần hoàn để nhớ hết nội dung cơ bản của sách
Đây là dạng ghi chép khó nhất mà mình từng thực hiện. Nếu ghi theo sơ đồ cây hay ghi cột dọc là bám theo từng chương, từng đoạn trong sách thì ghi chép tuần hoàn là bám theo toàn bộ nội dung. Cần phải đọc nhanh cuốn sách ít nhất 2 lần để biết “flow” – mạch nội dung. Sau đó ghi lại tên chương, ý chính và kết nối các chương theo trình tự hợp lý. Cuối cùng, mình sẽ làm một việc: Tự thuyết trình lại nội dung cuốn sách trong 30 phút và ghi âm/quay video để đảm bảo mình đã nói đủ mượt (tức là đã nhớ)
Gần đến kỳ thi thỉnh thoảng mình mở file nghe/xem lại và nhớ như in những gì đã đọc (dạng ghi nhớ cách quãng).
Thực sự là 8 tháng ôn thi vào Bộ Ngoại giao khó hơn cả hồi mình thi Đại học vì vừa đi làm đủ việc, vừa ôn thi vào khối Nhà nước (với 3 vòng). Tuy nhiên nhờ biết cách đọc, ghi chép cùng tinh thần kỷ luật trong học tập nên mình đã thi đậu. Giờ thì mình đã là người của Bộ và năm nào cũng đi nước ngoài vi vu rồi nha! Nhả vía chăm chỉ, kỷ luật cho các bạn. Chúc các bạn học sinh, sinh viên ôn thi suôn sẻ nhé!

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận