Làm sao để không nổi cáu khi dạy con học?

99 Views

(1717 chữ, 5 phút, 43 giây đọc)

Học cùng con hay kèm con làm bài tập là điều không còn xa lạ ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, những giờ học này cũng thường là nguồn cơn của mâu thuẫn trong gia đình. Cha mẹ thường khó giữ được bình tĩnh khi đối diện với sự lơ đễnh hoặc bất hợp tác của trẻ.

Trước khi trở thành một giáo viên, mình đã làm mẹ. Và đương nhiên, mình cũng làm con của bố mẹ mình, cũng có đầy xung đột với phụ huynh trong việc học. Vậy nên hôm nay, mình muốn nói một chút về “KHOẢNG CÁCH GIỮA KỲ VỌNG VÀ THỰC TẾ”. Đây là nguyên nhân gây ra căng thẳng khi cùng con học tập.

1. Kỳ vọng của cha mẹ khi dạy con học

Thường thì chúng ta làm cha mẹ khi đã đến tuổi trưởng thành và không còn nhiều ký ức rõ nét về thời thơ ấu, đặc biệt là giai đoạn mới đến trường. Người lớn nào mà chẳng từng là một đứa trẻ, nhưng vấn đề là người lớn quên khá nhiều trải nghiệm khi còn là một em bé. Vì vậy, khi đối diện với việc học của con cái, chúng ta thường dùng lăng kính của người trưởng thành để quan sát và đánh giá.
 
Bố mẹ sẽ thấy mảng kiến thức này dễ, kỹ năng này không có gì ghê gớm, bài tập này đơn giản vô cùng… Vậy nên chúng ta kỳ vọng con sẽ ngay lập tức hiểu và nhớ bài, ngay lập tức viết đẹp và thuyết trình lưu loát, ngay lập tức làm được bài tập mà không cần xé đi chép lại… Bên cạnh đó, bố mẹ thường vất vả đi làm và dành nhiều tâm huyết, tiền bạc, thời gian,… để đầu tư cho con cái học hành. Đầu tư thì phải có “lãi”, hoặc chí ít phải thấy tiềm năng to lớn từ sớm, từ xa. 
 
Những kỳ vọng này hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, thực tế lại khác…

2. Khả năng học tập thực tế của trẻ em

8 năm trước, mình có con lần đầu tiên. Em bé trai nặng 3,3kg và sinh ở tuần 38. Sức khoẻ của con bình thường, phản xạ của các giác quan đều ổn định. Như bao đứa trẻ khác, con cũng có từng giai đoạn phát triển và kèm theo kỳ khủng hoảng “wonder week”.

Vì đang nói đến chủ đề học tập, nên mình muốn tập trung vào đôi tay của bé. Khi mới sinh ra, các em bé kiểm soát đôi tay rất khó khăn. Từ việc quơ tay loạn lên mỗi khi đói hay lạnh, rồi các em mới học cách điều khiển tay để chạm vào mặt bố mẹ hoặc cầm nắm đồ vật lớn. Khoảng 6 tháng, trẻ ăn dặm. Nếu là ăn tự chỉ huy (BLW) thì bé sẽ được cầm trực tiếp vào đồ ăn. Phải ngồi quan sát mới thấy đó là cả một nỗ lực của em bé.

Theo thời gian, trí não của các con phát triển, ngoài các kỹ năng vận động thô, đứa trẻ nào cũng dần có thêm kỹ năng vận động tinh – tức là khéo léo hơn, chính xác hơn. Rồi con sẽ biết cầm bút. 

Lúc đầu, con sẽ chỉ cầm được bút to, có vỏ nhám để dễ kiểm soát đường đi của bút. Sau một thời gian rèn luyện, con đã quen tay, đã khéo léo hơn. Trẻ sẽ cầm bút nhỏ hơn, ngòi mềm hơn, vỏ trơn hơn. Nếu lúc 3-4 tuổi, các con học tô màu thì 5-6 tuổi sẽ học tô chữ – nét mảnh, cong, móc,… Toàn bộ các nét chữ này đòi hỏi đôi tay phải cực kỳ khéo và người viết tập trung để điểu khiển tay nhịp nhàng. 
 
Trong lúc con ngồi viết, bên ngoài là tiếng chơi đùa của các bạn! Ầm ĩ, huyên náo, sôi động,… Đổi lại là người lớn, chúng ta sẽ thấy sao? Còn em bé thì… 
Một lúc con lại kêu đau bụng, đứng lên đi ra cửa nhà vệ sinh rồi nghe ngóng. Một lúc sau con lại kêu khát nước, muốn tự đi lấy nước ở bếp. Lại đứng nghe ngóng. Đang học, ngẩng mặt lên là khung cửa sổ có mây bay, lại dán mắt vào đám mây và nghĩ xem trên đó có vui không? Nhìn chung, tất cả mọi thứ đều hấp dẫn hơn những trang giấy trắng toát và cái bút đầy đau khổ. Cứ cầm vào là mệt, là mỏi, là buồn.
 
Thực tế là trẻ em chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Có hiểu thì cũng sương sương thôi. Đôi khi còn hiểu lầm, còn cho rằng học là để bố mẹ vui chứ không phải để mình chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp. Viễn cảnh tươi sáng đó không thể chạm tới thực tế khắc nghiệt – học tập thì khó khăn, mệt mỏi còn dừng học là có hàng vạn thứ hấp dẫn đang chờ.
Thực tế là chính chúng ta đây, đi làm cả ngày, tối về sẽ muốn nghỉ ngơi hoặc la cà đâu đó. Để ngồi học với con, học một thứ gì đó cho riêng mình trong khi phố xá nhộn nhịp cũng đâu dễ dàng?

3. Rút ngắn khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế khi dạy con học

Cha mẹ kỳ vọng vào con là một điều đúng đắn. Hãy thử hình dung đến ngày không có ai nghĩ mình làm được gì đó to tát, đấy mới là kinh khủng. Nhưng để sự kỳ vọng không gây tiêu cực, người lớn có thể chủ động rút ngắn khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế.
Học tập là một việc cực kỳ quan trọng. Nhưng tất thảy những việc quan trọng đều không dễ dàng. Quan sát con, hiểu con và thông cảm cho con là những bước đầu tiên để bố mẹ tiến gần đến “thực tế”. Sau đó, bố mẹ có thể đặt ra những mục tiêu gần hơn, dễ phấn đấu hơn để con có cảm giác “mình đang tiến bộ”.
Tại sao lại là người lớn chủ động chứ không phải trẻ em? Nếu phụ huynh hỏi vậy, thì đáp án là vì chúng ta đã lớn.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận