(2380 chữ, 7 phút, 56 giây đọc)
Khám phá hành trình phát triển của mạng xã hội, ta sẽ thấy những bài học quý giá ẩn sau nó. Đi từ lược sử giao tiếp của loài người đến sự ra đời của Facebook, bài viết này sẽ giúp sinh viên truyền thông hiểu sâu hơn về nền tảng của ngành học và cách áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn công việc.
Tiếp nối bài viết trước, mình muốn giải mã một vài câu hỏi liên quan đến lý thuyết và thực tiễn môn Social Media. Thực ra là trên lớp đã dạy và giải thích với sinh viên rồi, nhưng nhắc lại một lần nữa chắc không thừa.
1. Lịch sử - Lời giải cho nhiều vấn đề của truyền thông hiện đại
Rất nhiều sinh viên thường tỏ ra lơ đểnh khi nghe giảng về lý thuyết hay mô hình (framework), các em cũng dễ bỏ qua bước nghiên cứu mà thường vội vàng lao vào làm nội dung. Nếu bản chất của truyền thông mạng xã hội chỉ có vậy, các em không cần phải đến lớp ngồi học 15 buổi ở Học viện Ngoại giao. Tại đây, vào buổi thứ 2 – mình dạy sinh viên về Lịch sử phát triển của mạng xã hội.
Buổi 2 chia ra làm hai phần nội dung chính: (1) lược sử giao tiếp của loài người, (2) lịch sử ra đời và phát triển của mạng xã hội Facebook thuộc Meta.
Phần (1) là kiến thức vỡ lòng mà sinh viên được học từ kỳ I năm Nhất và thường được nhắc lại trong tất cả các môn chuyên ngành về báo chí – truyền thông. Lược sử giao tiếp của loài người CỰC KỲ QUAN TRỌNG, vì nó là nền tảng của những phát minh đã, đang và sẽ xuất hiện. Sáng tạo không đến từ hư vô, mỗi bước tiến trong lịch sử nhân loại đều phải đi qua dấu chân của tổ tiên.
Họ đã từng giao tiếp với nhau bằng những âm thanh đứt đoạn, bằng ký hiệu, ám hiệu; họ có ngôn ngữ, rồi chữ viết. Họ lưu giữ thông tin lên vách đá, mai rùa rồi đến thẻ tre, giấy. Thế rồi chúng ta có sách giấy, có báo giấy, có phát thanh, truyền hình, internet và mạng xã hội. Các em PHẢI HỌC những kiến thức này, vì một thời điểm nào đó, em sẽ cần ra quyết định xem mình sẽ viết caption kèm ảnh hay làm video, mình sẽ viết status hay làm podcast… Em cần hiểu rằng bài đăng mà các em đang đọc được cấu thành từ những gì (hình ảnh, chữ viết, ký hiệu, âm thanh,…) và tại sao tác giả lại làm vậy/không nên làm vậy.
2. Facebook: Mô hình kết nối thành công dựa trên bài học từ lịch sử
Đi qua lược sử giao tiếp sẽ đến phần (2) – lịch sử ra đời và phát triển của mạng xã hội Facebook. Đây không phải mạng xã hội đầu tiên trên thế giới, nhưng là mạng xã hội ra đời rất sớm và có số người dùng lớn nhất đến thời điểm hiện tại. Một thứ tiên phong mà lại thành công thì xứng đáng để nghiên cứu.
Lịch sử của Facebook có từ đầu những năm 2000, khi Mark còn là một sinh viên của Harvard. Với “bản nháp” FaceMash – anh trai này đã nung nấu ý tưởng sơ khai nhất của Facebook. Đó là nơi mà MỌI NGƯỜI CÓ THỂ TÌM ĐƯỢC NHAU trên không gian trực tuyến. Câu hỏi đặt ra là:
- Làm sao các em có thể tìm được người khác trên mạng?
Sinh viên thường ngơ ngác trước những câu hỏi kiểu này. Vì nó đơn giản quá hay phức tạp quá? Cũng có thể vì các em chưa bao giờ nghĩ đến việc đặt câu hỏi cho những điều hiển nhiên như vậy. Kỳ thực, con người muốn KẾT NỐI thì phải NHẬN RA người mà mình muốn chạm vào là ai? Để NHẬN RA nhau thì cần có THÔNG TIN, cần những CHIA SẺ mang tính cá nhân. Đó là lý do vì sao, tài khoản Facebook yêu cầu chúng ta khai thông tin và mỗi khi các em lên Facebook sẽ được hỏi:
- Bạn đang nghĩ gì? What is on your mind?
Mark học Khoa học máy tính và Tâm lý học tại Harvard, đồng thời Big Tech chi không ít tiền cho Dữ liệu lớn, tâm lý học hành vi và nhận thức. Vậy thì tại sao họ lại đặt câu hỏi như vậy cho người dùng và duy trì trong bao năm không thay đổi? Nếu khó quá thì hãy đi tiếp đến 14/08/2024 – là hôm nay. Chỉ cần truy cập vào trang chủ của Meta, chúng ta sẽ thấy những câu nói đắt giá như này:
OUR MISSION: Giving people the power to build community and bring the world closer together (Tạm dịch: Sứ mệnh của chúng tôi là trao cho con người sức mạnh để xây dựng cộng đồng và đưa thế giới đến gần nhau hơn).
- Làm thế nào để xây dựng cộng đồng và thân thiết hơn với những người khác?
Trên lớp, khi mình hỏi sinh viên câu này – hầu hết các em dù năm Nhất hay năm Tư cũng nghĩ đến việc tìm nhóm công chúng mục tiêu, tìm đối tượng kết nối để bắt đầu xây dựng cộng đồng. Các em thường chú trọng vào những yếu tố bên ngoài. Nhưng không, đó là bước sau. Muốn xây dựng cộng đồng, chúng ta phải: TÌM MÌNH – hiểu đơn giản là làm rõ (1) MÌNH LÀ AI, (2) MÌNH CÓ KHẢ NĂNG CHIA SẺ ĐIỀU GÌ và (3) NÊN CHIA SẺ GÌ.
Không tin thì chỉ cần kéo xuống phía dưới của trang chủ Meta sẽ thấy đáp án. Trong phần Our Principles, dấu cộng ĐẦU TIÊN là:
- Give People a Voice: People deserve to be heard and to have a voice — even when that means defending the right of people we disagree with.
Bạn sẽ được lắng nghe khi bạn DÁM NÓI, bạn chỉ có tiếng nói khi bạn DÁM MỞ MIỆNG. Vậy nên, bạn mới là viên gạch đầu tiên của quá trình truyền thông trên mạng xã hội.
3. Học từ lịch sử nếu muốn làm nên lịch sử
Khi sinh viên hỏi lần đầu tiên cô có nội dung viral là bao giờ, mình không nhớ. Nhưng thời điểm các kênh mạng xã hội của mình phát triển rực rỡ là vào năm 2021 đến nay. Nhiệt độ có thể tăng giảm tuỳ mùa vì mình làm truyền thông về giáo dục. Mọi người biết đấy, học phải đi đôi với nghỉ học. Tuy nhiên, suốt 3 năm nay các kênh đều thay phiên nhau giữ nhiệt. Đặc biệt hơn cả, chính social platform và các đơn vị độc lập đều chấm điểm Engagement cho mình cực cao (xem hình minh hoạ).
Nếu mọi người tò mò có thể tìm hiểu thêm về thuật ngữ này, hiểu đơn giản là “gặp nhau rồi thật khó lìa xa”. Mặc dù lượt view ~20 triệu nhưng lượt đăng ký đã 415 nghìn, hoặc video chỉ 1 triệu view nhưng có đến 60.000 lượt thích, hơn 1.000 bình luận, hoặc tỉ lệ thích/không thích luôn trên 98%. Riêng về YouTube mảng học thuật Engagement của mình thường ở mức Excellent 4 mùa quanh năm, vượt lên trên nhiều kênh khác tại Việt Nam.
Lý do thì có nhiều, nhưng nguyên do lớn nhất nằm trong phần 1 – LỊCH SỬ. Mình không làm nội dung để tìm kiếm sự yêu thích của người dùng, mình làm nội dung để họ NHẬN RA mình là ai. Sau đó, họ muốn theo dõi, bởi vì thông qua nội dung của mình, chính KHÁN GIẢ có thể nhận ra/thể hiện với thế giới HỌ LÀ AI. Nguyên lý này được áp dụng cho cả việc sản xuất sản phẩm, không tin mọi người cứ tìm hiểu những nhãn hàng sống thọ nhất trong ngành hàng là biết liền.
Lịch sử và mớ lý thuyết tưởng sáo rỗng kia là đáp án cho hàng vạn vấn đề mà chúng ta đang mắc kẹt ở hiện tại. Từ lịch sử mà mỗi người tìm thấy lối đi, tìm thấy sức bật để tự tạo nên những cột mốc đáng nhớ trong hành trình của mình.
Thế mới nói học từ lịch sử nếu muốn làm nên lịch sử (của riêng bạn).
Viết đến đây tui mệt quá rồi. Nếu có bạn sinh viên nào đọc đến đây thì có 2 việc cô Trang muốn nhờ các bạn:
- Đây là một bài chia sẻ có yếu tố học thuật. Trong lúc viết, cô đã “bỏ qua” một thao tác quan trọng của người làm nghiên cứu. Hỏi thao tác đó là gì?
- Trả lời 1 trong những câu hỏi được liệt kê từ đầu đến giờ
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.