(1386 chữ, 4 phút, 37 giây đọc)
Mất bao lâu để thực hiện ước mơ? Đó là câu hỏi mà chúng ta thường tự vấn mỗi đêm. Ước gì mình làm được việc này, đạt được mục tiêu kia hoặc trở thành một ai đó. Nhưng phải đến bao giờ? Vừa hay, tuần trước tôi vừa thực hiện một ước mơ nho nhỏ và phù hợp làm “nháp” cho câu hỏi phía trên.
10 năm ấp ủ ước mơ "đi du lịch"
Tôi có mấy cô bạn thân từ hồi THPT. Vào thời điểm làm hồ sơ thi Đại học, tất cả đều cảm thấy chênh vênh trước ngưỡng cửa trưởng thành. Tôi nộp hồ sơ vào Ngoại giao, còn lại đều chọn Ngoại thương làm bến đỗ. Bạn thân mà, thân ai nấy lo! Mỗi đứa 1 ngành học chẳng liên quan…
Trong những ngày tháng cuối cùng ở Chuyên Vĩnh Phúc, cả lũ thấp thỏm lo âu. Mỗi lần cùng nhau lang thang khắp phố phường, ba đứa lại nghĩ ngợi rồi động viên “đỗ Đại học nhé!”. Thi cử xong xuôi, chúng tôi gặp gỡ và nói:
Ước gì bọn mình có một chuyến du lịch cùng nhau. Sau này có tiền phải đi nhé!
Tuổi 18 đơn thuần và tự tin bước vào đời như thế, tôi dám cá rằng không ai nghĩ tương lai sẽ có nhiều biến cố đến nhường này… Nhóm có 3 đứa và đây là thanh xuân của chúng tôi!
Phạm Nga, cô sinh viên bỏ học Kinh tế đối ngoại ở FTU để theo đuổi ngành truyền thông và thời trang. Thân gái một mình từ Bắc vào Nam để lăn lộn mưu sinh, xây dựng sự nghiệp. Gia đình đông con với 7 anh chị em, Nga chật vật tự lo cho bản thân và lập nghiệp ở thành phố lớn. Sau cùng bạn vẫn quay về Hà Nội để làm yên lòng bố mẹ. Công việc lại lộn tùng phèo… Dẫu vậy, bạn vẫn quyết tâm bắt đầu con đường mới ở thủ đô ồn ã!
Uyên Vũ, cô sinh viên Tiếng Pháp thương mại của FTU, học đến năm 3 thì phát hiện bị bệnh về máu. Sức khỏe yếu, vài bữa bạn tôi lại ăn dầm ở dề ở Viện Huyết học. Bố mẹ bạn chỉ mở quầy bán tạp hoá và bánh mì để nuôi 3 chị em, gia đình cũng không có gì khá giả. Ốm đau mệt mỏi, bạn vẫn học tốt nghiệp Thủ khoa. Bạn thực tập không lương 1 năm rồi nhận học bổng Eiffel danh giá nhất của Pháp để đi học Thạc sĩ. Đi xong không chịu về…
Triệu Trang, cô sinh viên bảo lưu khi vừa xong năm 2 ở DAV để… mở tiệm bánh. Thuở bé ba mẹ ly hôn, bạn luôn ao ước có gia đình đầy đủ hạnh phúc nên sớm lấy chồng. Lập gia đình, sinh con xong bạn vẫn tiếp tục đi học và đi làm đầy đủ. Rồi một ngày, bạn cũng ly hôn. Sau nhiều thăng trầm và biến đổi, giờ bạn làm Giảng viên DAV, chọn gắn bó với Ngoại giao và giáo dục.
Mấy dòng chữ thật ngắn gọn nhưng phía sau là bao nhiêu vui buồn sướng khổ, bao nhiêu nước mắt và nỗ lực trong suốt một thập kỷ của cả 3 cô gái.
Giờ đây, chúng tôi đã 28 tuổi.
10 năm đủ dài để người ta quên mất mình từng ước mơ điều gì. 10 năm đủ lâu để nhiều tình bạn hết hạn sử dụng. Chúng tôi ngoại lệ. Dẫu có xa cách về địa lý, dẫu có khác biệt trên đường đời, chưa kể sức ép của cuộc sống khiến tất cả đều mệt mỏi, ba đứa vẫn “mãi mận, mãi keo”.
Lý do cho tình bạn bền vững, cho ước mơ trở thành hiện thực chính là điểm chung của cả ba. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đứa nào cũng tiến về phía trước, cố gắng học tập và làm việc để làm chủ vận mệnh của mình. Không phán xét, không đố kỵ, không mất hút khi bạn gặp khó khăn… Thanh xuân thêm đẹp vì có bạn.
Ở tuổi 28, chúng tôi cùng nhau đi du lịch một chuyến, biến ước mơ thuở 18 thành hiện thực.

Hành trình ước mơ và đôi lời gửi đến bạn đọc
Mỗi người thường có nhiều ước mơ cho mình, dù đó là ý tưởng vu vơ thoáng qua hay khao khát ấp ủ suốt thời niên thiếu. Câu hỏi đặt ra là, mất bao lâu để thực hiện một ước mơ? Đáp án không cố định. Nhanh thì vài tháng, lâu thì 10 năm, thậm chí vài chục năm.
Tôi vẫn tin rằng, chỉ cần tiếp tục tiến về phía trước và giữ được sơ tâm, ước mơ cuối cùng sẽ trở thành hiện thực. Nếu có người đồng hành thì cơ hội thành công càng cao.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.