Người chọn được nghề như hoa tìm thấy đất

354 Views

(1370 chữ, 4 phút, 34 giây đọc)

Đầu năm 2021, tôi vừa tốt nghiệp Thạc sĩ và ấp ủ dự định sang nước ngoài khám phá đó đây. Thế rồi “giấc mơ Pháp” bị trì hoãn vì dịch bệnh và thông báo tuyển dụng của Học viện Ngoại giao đã làm tôi rẽ hướng. Sau kỳ thi viên chức “khốc liệt”, tôi chính thức trở thành giảng viên Ngoại giao. Và cũng từ khoảnh khắc đó, hoa tìm thấy đất…

Làm sinh viên DAV - thời kỳ hoa ươm mầm và phát triển

Trong quá trình đi dạy, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ngạc nhiên với hai nhóm sinh viên: hoặc là các em mới 18-20 mà đã biết chắc sau này sẽ làm gì hoặc ngược lại, mới năm nhất mà đã hoảng loạn vì không biết sau này chọn nghề gì.

Ở tuổi các em, tôi vẫn còn đấu tranh xem tối thứ 6 nên ngồi học tiếng Pháp cơ sở hay bật Youtube xem Master’s Chef. Đừng nghĩ tôi đấu tranh giữa mơ ước trở thành Nhà ngoại giao hay dự định làm đầu bếp, tôi chỉ lưỡng lự giữa “nhiệm vụ” và “sở thích” mà thôi.

Nhiệm vụ là những việc cần phải làm dù có thích hay không, làm vì lợi ích của bản thân hoặc của người khác. Sở thích là những việc rất muốn làm ngay cả khi nó nhảm nhí & vô ích, làm để vui vẻ chút thôi. Người mà, sống không vui thì chán lắm.

Hồi đó, lo âu về công việc xuất hiện rất thoáng qua. Một phần vì mẹ em Dung rất giỏi xem tướng đã khẳng định sau này chồng tôi giàu lắm. Phần còn lại do deadlines ở Ngoại giao và vài ba sở thích nhạt nhẽo đã ngốn hết thời gian và tâm trí tôi rồi. Nếu không phải học bài, tôi sẽ đi làm thêm, tối về ngồi lần mò mấy blog làm bánh trên Internet hoặc đi tập aerobic cho bớt béo, kiểu vậy.

Chớp mắt đã gần 10 năm trôi qua. Chặng đường dài đằng đẵng ghi dấu bao kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, đặc biệt ở giai đoạn 5 năm đeo mác sinh viên DAV.

Có lúc tôi là một cô thợ làm bánh đúng nghĩa, cả ngày chỉ ôm lò và trộn bột. Có lúc tôi đã sống như một cây bút sắp nổi tiếng, say mê ngồi viết truyện thâu đêm vì độc giả đang đợi chương mới từng ngày. Nhiều khi, tôi chỉ là cô sinh viên tuỳ hứng, có tiết ngồi học chăm chú và nhiệt huyết, có tiết chui xuống bàn cuối ngủ ngon lành. Đấy là còn chưa kể đến nghề “làm mẹ”.

Người chọn nghề
Triệu Trang phiên bản sinh viên DAV :))

Làm giảng viên DAV - thời kỳ nở hoa

5 năm học Đại học, 5 năm giằng co giữa “nhiệm vụ” và “sở thích”. Đi qua tranh đấu, tôi dần hiểu hơn về năng lực và thiên hướng, về hiện thực và lãng mạn. Rồi tôi ra trường.

5 năm tiếp đó, kế hoạch cá nhân và áp lực tài chính khi lập nghiệp ở Hà Nội đưa tôi đi qua nhiều vị trí nghề nghiệp nữa. Nhiệm vụ ngày nào giờ trở thành “sứ mệnh”, sở thích trước kia nay đã hoá “đam mê”. Tôi không còn lăn lộn giữa hai bên vì nhiều lúc chúng hoà làm một, hoặc bổ trợ cho nhau, cộng hưởng cùng nhau.

Công việc giảng dạy và nghiên cứu ở DAV thực sự rất mệt mỏi, nào là soạn bài và lên lớp, trao đổi với sinh viên, chấm bài và giải đáp thắc mắc hoặc làm nghiên cứu,… gõ mỏi tay quá. Đấy là chưa kể những lúc sinh viên gửi email không có tiêu đề hoặc gán link dài 1km (trong khi cô đã dạy viết mail hết nửa tiếng). Đôi lúc, tôi phải bật nhạc thiền để ngồi chấm tiểu luận.

Rời khỏi “sứ mệnh” cao cả và nhức đầu ấy, tôi đi tập, ngồi vẽ tranh, đi chơi với con hoặc bạn bè, rồi lại viết lách và sáng tạo nội dung để giao lưu với khán thính giả. Một cuộc sống khác, vừa ý nghĩa, vừa yên vui. Cũng tình cờ thôi, những đam mê tưởng chừng vô bổ ấy lại giúp tôi có thêm “uy tín” khi đứng lớp. Một công đôi việc.

Tầm này hai năm trước tôi bê một ít đồ đạc lên Văn phòng Khoa Truyền thông, bắt đầu công việc của 1 giảng viên đầu tắt mặt tối. Đây là điều mà năm 18-20 tôi chẳng nghĩ đến bao giờ. Nhưng sự đã rồi, dẫu sao mái trường Ngoại giao cũng từng là mảnh đất để bông hoa này biết lớn. Giờ hoa sắp nở, về cắm rễ cũng khá đúng quy trình.

giảng viên DAV
Ảnh này là sinh viên chụp :)) chụp xong tự phê “em chụp góc hơi tù”. Thôi cũng đành coi là nhớ bài ^^

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận