Còn lại gì sau thành tích và điểm cao?

1120 Views

(2003 chữ, 6 phút, 40 giây đọc)

Bắt đầu từ khuya hôm qua, hộp thư fanpage của Trang muốn nổ tung vì tin nhắn báo kết quả thi của các bạn 2k3. Mạng xã hội và báo chí vài ngày tới sẽ ngập ngụa thông tin về điểm số với cảm xúc lẫn lộn. Dù bạn đang nếm trải sự ngọt ngào của chiến thắng hay vị mặn đắng của thất bại, khi đã thi xong, xin đừng chỉ nhớ về những con số. Câu chuyện đằng sau nó mới là thứ làm nên "bạn" ở tương lai.

Nói cách khác, ta cần trả lời câu hỏi: điều gì tạo nên điểm số và thành tích? Đối với mình, đó là sự kiên trì, nỗ lực,… đặc biệt là lòng dũng cảm. Để có điểm cao, bằng đẹp, mình đã dám làm rất nhiều việc.

1. Dám đi ngược lại số đông

Lần đầu tiên mình được 9 Văn, là khi ôn đội tuyển HSG lớp 5 tại trường làng. Mình vốn hay nghĩ ngợi miên man, nhưng đặt bút viết lại toàn ra 6,7 điểm. Thật tình, cũng có một vài bạn mua sách văn mẫu để chép lấy 8. Vừa được điểm nhỉnh hơn lại có vẻ thảnh thơi. Nhưng mình không thích.
 
Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình lên gặp cô giáo – cô Thắng dạy Văn. Mình hỏi cô rằng em phải làm sao để viết bài điểm cao mà không cần dùng văn mẫu? Cô cười tủm tỉm, nói em đừng ngủ trưa mà ra vườn quan sát đàn gà thật kỹ, sau đó nghĩ về gia đình em rồi mới làm văn miêu tả.
 
Bài văn đó được điểm 9 và cô đọc nó lên trước lớp. Bạn bè mình đến giờ vẫn hay nhắc lại “sự kiện” đó, vì cô cực kỳ khó tính. Còn mình, sẽ không bao giờ quên cô học trò 10 tuổi, vì muốn học theo cách riêng mà dám lên gặp cô giáo để hỏi tường tận vấn đề. Mình vẫn giữ tính cách đó đến tận ngày hôm nay.
 

2. Dám theo đuổi ước mơ

Lần đầu tiên mình được Giải Nhất khi thi HSG, là năm lớp 8, tại trường làng. Lên cấp 2, bạn bè nhập học trường Chất lượng cao trên thị trấn hết lượt và chỉ còn 3 đứa rớt lại ở quê. Lý do đơn giản thôi, nhà bọn mình không có điều kiện. Sau 2 năm thi chỉ đạt giải Ba, mình cảm thấy không hài lòng. Đầu năm lớp 8, mình nói với cô Hương dạy tiếng Anh rằng em có mục tiêu được giải Nhất. Cô cười và bảo khó lắm em ơi. Giải Nhất trước giờ đều của trường điểm. Cô còn bồi thêm:
 
– Cũng có năm trường mình được Nhất, nhưng là con trai.
– Thưa cô, thế thì em sẽ cố gắng là học sinh nữ đầu tiên của trường được giải Nhất tiếng Anh.
 
Đã 13 năm trôi qua, mình vẫn nhớ nụ cười của cô. Cô đồng ý ngay và bày đủ cách để mình học. Bố đi làm xa ở tít trong Tây Nguyên, mình gọi điện luyên thuyên 1 hồi về mục tiêu đó. Bố nhờ bạn bè mua sách rồi gửi đến tận nhà. Thế là mình cắm đầu học. Trời nắng hay mưa cũng như nhau, đạp xe 5-6km lên nhà cô ôn thi. Có nhiều đêm, ngồi bên cuốn từ điển và chồng sách, mình áp lực rồi ôm mặt khóc. May thay, dòng chữ dán trên tường giúp mình đi tiếp, đó là:
 
“Nếu bạn tin là mình làm được, thì bạn sẽ làm được”.
 
Cuối cùng, mình đã về đích. Ngày nhận tin, mình ngồi khóc nức nở, khóc cho những vất vả mà mình phải chịu đựng để có được danh hiệu đó. Khóc vì nhận ra, theo đuổi ước mơ khổ sở biết bao nhiêu. Và khóc vì mình đã không bỏ cuộc. Cảm thấy không làm được thì đừng nói. Nếu đã nói, phải cố mà làm.

Follow your dream!

3. Dám đứng dậy sau thất bại

Ngôn ngữ thứ 3 mình học là tiếng Pháp. Học vì thi trượt chuyên Anh và học trong bất mãn. Như mọi khi, điều gì gượng ép cũng không bền vững. Mình cố được hết cấp 3. Vào Đại học, mình bỏ bê nó và sau đó trầy trật với các môn tiếng Pháp Chuyên ngành ở DAV. Để ra trường, mình thi DELF B2 và tiếp tục trượt lên trượt xuống. Chỉ đến khi gặp thầy Toàn…
 
Sau nửa năm học hành đúng nghĩa với rất nhiều vất vả khi vừa học vừa nuôi con nhỏ và đi thực tập, mình đỗ DELF B2 với điểm số đứng nhì Hội đồng thi. Mình trở thành trợ giảng, rồi đồng nghiệp của thầy, cùng thầy làm nhiều dự án. Đi dạy gần 4 năm, hàng trăm học viên của mình đã chinh phục DELF để viết tiếp giấc mơ. Hôm nọ, mình may mắn được chọn trở thành nhân vật trong cuốn sách “Phụ nữ Pháp ngữ Việt Nam – Phụ nữ truyền cảm hứng” thuộc dự án của CECOFAP và OIF.

You can fly!

Các bạn ạ, người ngoài nhìn vào sẽ chỉ thấy những con điểm và thành tích. Họ có thể khen chê, tung hô hoặc mỉa mai, giễu cợt. Nhưng là người trong cuộc, chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về hành trình, về cách chúng ta thành công cũng như điều gì khiến ta thất bại.
 
Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, thành công của mình, là nhờ những lần dũng cảm dám nghĩ dám làm. Nhưng các bạn có nhận ra không, đằng sau đó chính là thầy cô và gia đình luôn hiện diện.

Là cô Thắng, người vô cùng nghiêm khắc nhưng rất cởi mở để mình được "khác biệt". Là cô Hương, người vui vẻ và nhiệt tình, luôn khích lệ và chắp cánh cho ước mơ của mình. Là bố, người ở xa con cả nghìn cây số, nhưng kiên nhẫn lắng nghe và tìm mọi cách để hỗ trợ việc học của con. Và là thầy Toàn, người khiến em tin rằng chỉ cần nghiêm túc làm việc đến cùng, kết quả sẽ tới.

Trong suốt hành trình, mong phụ huynh cùng giáo viên đừng để học sinh đơn độc. Là học trò, các em cũng cần chủ động và tự giác, biết đặt mục tiêu và không ngại lên tiếng để nhận sự hỗ trợ của mọi người.
 
Với kết quả tốt, chúng ta có thể ăn mừng và hài lòng với cố gắng của bản thân. Điểm số hay giải thưởng cũng giống như tấm áo. Ai cũng biết thầy tu cần mặc áo. Nhưng cũng đừng quên, chiếc áo không làm nên thầy tu.
 
Giá trị ẩn sau những danh hiệu hay điểm số mới là thứ tạo nên thành công cuối cùng.
 
Chúc các bạn sẽ không quên hành trình của bản thân, dù là vẻ vang hay dở dang, nó vẫn là những gì bạn đã làm và đã có. Nếu nó đã đủ tốt, hãy giữ lấy tinh thần ấy để tỏa sáng trong chương kế tiếp của cuộc đời. Nếu nó tệ, hãy bù lại bằng một điều đúng khác trong tương lai.
 
Lời nhắn của mình – một học sinh/giáo viên/phụ huynh:

Học không phải để lấy điểm, mà để nên người.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này. Nếu thấy nội dung đã đủ hay, bạn có thể chia sẻ và lan tỏa đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

1 bình luận về “Còn lại gì sau thành tích và điểm cao?”

Viết một bình luận