(1994 chữ, 6 phút, 38 giây đọc)
Mùng 3, tôi quay lại Hà Nội sau một tuần xa cách. Vẫn đang nghỉ Tết, làm gì bây giờ nhỉ? Chui vào chăn ấm đệm êm để ôm iPad hay ngồi đọc sách với đĩa hướng dương?
Không! Tôi thay đồ, đeo giày và đi tập thể dục.
Bạn không đọc nhầm đâu! Đúng là tôi chọn đi tập thể dục với sự phấn khích và hào hứng tột độ. Nếu có ước nguyện năm mới bớt “làm biếng”, bài viết này dành cho bạn. Trước tiên, hãy cùng tôi ngược dòng thời gian về Tết 2011, vẫn chủ đề ấy nhưng một câu chuyện khác đã bắt đầu.
Tết Nguyên đán 2011
Người đầu tiên nhắc nhở tôi nên chăm chỉ tập thể thao và làm đẹp, chính là mẹ. Một người đẹp. Ngày ấy, tôi vừa xuống trường Chuyên, ở trọ một mình và gồng gánh 7749 loại áp lực. Khi nghe mẹ nói, tôi phát cáu:
“Đẹp để làm gì hả mẹ? Mệt chết đi được!”

Mẹ vẫn than phiền khi thấy con đi nắng không thèm mũ áo hoặc ăn vặt thức khuya rồi mụn mọc tùm lum. Chưa kể, cân nặng tăng vọt và tôi béo híp cả mắt. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở một vài lời than. Thay vì ép uổng con, mẹ tập trung làm đẹp cho chính mình. Một người phụ nữ hiểu biết, giỏi kiếm tiền, giọng nói ngọt ngào lại còn trắng trẻo xinh đẹp,… ai mà không yêu quý? Chưa kể, tôi cũng chán ngấy sự ì ạch của bản thân, chán việc thử 8 vạn món đồ để che khuyết điểm cơ thể nhưng vẫn tự ti khi đến lớp,… Sau tất cả, tôi chọn thay đổi.
Sau Tết Nguyên đán 2011, tôi dấn thân vào một “chiến dịch mùa xuân”. Nó đã thành công, để lại dư âm là những giải thưởng Hoa khôi- Người đẹp, là cô gái cao 1m67 nặng 48-50kg, da dẻ mịn màng, ăn mặc dễ chịu. Đặc biệt, hành trình ấy tạo cho tôi thói quen chăm sóc bản thân vô cùng chuẩn mực. Kết quả bền vững này đến từ 1 điều cốt lõi nhất: sự thay đổi đến từ bên trong.
Khi muốn cải tiến hoặc sửa đổi một điều gì đó, chúng ta thường dùng “ngoại lực” để tác động vào chủ thể. Cách làm ấy rất tốn sức lực nhưng lại ít hiệu quả, chưa kể còn tạo ra xung đột và phản ứng ngược. Dù đối tượng cần thay đổi là chính bản thân hay một người khác, việc dùng ngoại lực chưa bao giờ là phương án bền vững và tối ưu. Bởi vì:
Before you heal someone, ask him if he's willing to give up the things that make him sick.
Hiểu đơn giản rằng, “trước khi muốn chữa bệnh cho ai đó, ta cần hỏi họ đã sẵn sàng từ bỏ thứ đã gây ra căn bệnh hay chưa?”. Nếu chỉ dùng ngoại lực, sự tác động có thể tạo ra áp lực kinh hoàng và khiến đối tượng thấy tiêu cực. Dù có thay đổi cũng chỉ là nhất thời, kết quả không bền vững.
Chẳng hạn, khi muốn làm đẹp, ăn kiêng, nhiều cô gái lấy những câu quotes “mì ăn liền” để tạo áp lực và thay đổi. “Phụ nữ đẹp luôn có quà”, hay “Phụ nữ đẹp để giữ chồng”, thậm chí “Bạn nhất định phải đẹp hơn đứa mình ghét”,… Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cái đẹp ấy không mang quà đến, không giữ được chân ai và “đứa mình ghét” cũng chẳng đoái hoài đến bạn? Đó là sự thất vọng, mất niềm tin vào bản thân và lạc lối trong định hướng.
Tương tự, khi muốn con cái hay học trò phải thay đổi, cha mẹ lẫn thầy cô thường đặt ra những nguyên tắc hà khắc và sẵn sàng phạt nóng phạt nguội nếu có chuyện xảy ra. Người lớn dùng “ngoại lực” để đẽo gọt, uốn nắn từng tí và dễ thành áp đặt. Trong khi đối tượng – những đứa trẻ, lại chẳng hiểu phải thực hiện việc đó để làm gì. Không có mục đích rõ ràng, con cái thiếu động lực từ bên trong và rất khó thay đổi. Nếu có cũng chỉ là gượng ép và mang tính đối phó.
Ngày đó, tôi tự mình thay đổi không phải vì lời nhắc nhở của mẹ. Tôi đã nhớ lại những năm đầu cấp II, khi muốn “ngoi lên từ đáy giếng”(*), việc đầu tiên tôi làm là cải thiện sức khỏe thể chất cho chính mình. Tôi nhìn sang mẹ và chợt nghĩ, mẹ làm được có lẽ mình cũng làm được. Tôi tin rằng khi khỏe và đẹp, việc lựa chọn quần áo sẽ đơn giản hơn. Tôi sẽ thoải mái ngay cả khi mặc áo phông quần jeans và buộc tóc đuôi ngựa. Thời gian tiết kiệm được, tôi học thêm vài thứ hay ho. Và cuối cùng, tôi chắc chắn sẽ tự tin và năng động.
Khi suy nghĩ được đả thông, thay vì hỏi "đẹp để làm gì", tôi bắt đầu hỏi "làm gì để đẹp"?

Có động lực vô tận, tôi tìm cách để thực hiện mọi việc và liên tục hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. Thậm chí, kết quả còn bất ngờ ngoài mong đợi. Tôi chợt hiểu rằng, sự biến đổi của một người không đến từ bên ngoài. Ngoại lực ấy chỉ như một tiếng gõ cửa rất nhẹ, một cơn gió thoảng qua đủ làm ta giật mình. Nhưng ta chỉ thật sự thay đổi khi có khao khát tự nguyện và tìm được động lực tự thân. Đó mới là nguồn năng lượng để mỗi người điều chỉnh bản thân và tạo ra kỳ tích.
Tết Nguyên đán 2022
Đã 11 năm trôi qua, tôi vẫn ăn theo chế độ, tập luyện đều đặn và chăm sóc bản thân chu đáo. Dù lúc độc thân, đang có bầu, nuôi con nhỏ và bận rộn với một tỉ thứ việc phải làm, tôi vẫn duy trì thói quen ấy.
Bạn làm đẹp – ăn kiêng vì cơ thể bạn xứng đáng được chăm sóc cẩn thận. Bạn học hành chỉn chu và nghiêm túc vì bạn sẵn sàng cho một cuộc sống tự chủ trong tương lai. Trước khi thay đổi vì ai, bạn thay đổi bởi vì bạn muốn. Vì chính bản thân bạn.
Nếu muốn thay đổi bản thân, hãy lấy “nội lực” làm nền tảng. Nếu muốn thay đổi người khác, hãy sống tốt phần mình và trở thành một tấm gương. Thay vì cố kiểm soát, hãy kiên nhẫn, cảm thông và khen ngợi cho những nỗ lực dù rất nhỏ. Để xua đi bóng tối, chúng ta cần ánh sáng. Vậy thì, chúc bạn sẽ luôn là một ngọn hải đăng. Bạn tự xua đi màn đêm trong đời mình rồi hãy đem tia sáng chiếu rọi cho người bên cạnh.
Năm mới, chúc bạn sẽ có nhiều sự thay đổi. Đương nhiên, nó phải đến từ bên trong.
(*)Nghe podcast này nếu bạn tò mò về khái niệm “ngoi lên từ đáy giếng”.

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.
Chị Trang xinh quá ạ, mãi yêu
Giọng chị truyền cảm thật sự, và cả câu chuyện ý nghĩa vô cùng mạnh mẽ nữa