Thầy cô cũng đáng thương…

987 Views

(1795 chữ, 5 phút, 59 giây đọc)

Mình có một người mẹ dành cả đời làm giáo dục, đó là bà nội Mint. Trước khi về hưu, bà từng là một cô giáo Tiểu học, lại có gần 20 năm làm lãnh đạo trong hệ thống giáo dục công lập với nhiều sáng kiến đổi mới được đón nhận. Trong một lần hai mẹ con trao đổi về cải cách dạy-học, bà khen mình có nhiều ý tưởng khả thi, nhưng cũng nói:

Con cần thông cảm với các thầy cô trong hệ thống trường công. Muốn sáng tạo, đổi mới nhưng còn phải lo cơm áo. Muốn học thật, thi thật nhưng còn áp lực thành tích. Muốn kiên nhẫn và tâm huyết với học sinh, nhưng lại gặp trò lười…

Mẹ nói đúng. Mình cũng sớm nhận ra điều ấy nên không quy hết trách nhiệm cho ai. Thầy cô, hai từ trang trọng và cao quý. Vẫn là thầy cô, lại bị đem ra làm bia đỡ đạn cho nhiều tiêu cực trong ngành. Chuyện giáo dục là việc của 4 bên: học trò, phụ huynh, thầy cô và lãnh đạo các cấp. Nhưng có lẽ chúng ta quên mất: “thầy cô hạnh phúc mới có giáo dục tiến bộ”.

Để hạnh phúc, trước hết giáo viên phải sống, tức là cần có tiền!

Ngày thi vào sư phạm, thầy cô ít nhiều cũng có tình yêu với môn học và nguyện một lòng trao lại cho thế hệ mai sau. Nhưng ngờ đâu, sau 4 năm học hành vất vả, cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc, lương giáo viên còn thua cả một bác bảo vệ học hết lớp 3.

Cơm áo không đùa với khách thơ, ăn nhờ ở đậu bố mẹ già cũng thấy ngượng. Thầy cô phải lăn lộn kiếm sống, để bớt đói, để có tiền trang trải những chi phí cơ bản nhất của đời người. Bao nhiêu ước mơ, dự định, hoài bão đều phải gác lại vì ngày mai hết tháng mà chưa biết xoay tiền nhà ở đâu. Áp lực tài chính khiến ai cũng điên đầu, tâm trí đâu mà sáng tạo và đổi mới?

Rồi thầy cô cũng cần lập gia đình ngay cả khi lương cứng không đạt nổi 8 chữ số. Công việc cao quý, vẻ vang nhưng nếu trông vào đó thì đảm bảo đói vàng hai mắt. Người lớn có thể chịu nhưng ai nỡ để con cái thiệt thòi? Thế rồi thầy cô lại nghĩ đủ cách, lao đi dạy thêm, chân trong chân ngoài làm nhiều việc. Thời gian, sức lực và tâm tư bị chia năm xẻ bảy, tâm huyết đâu để kiên nhẫn với học trò lười?

Để hạnh phúc, thầy cô cần được tôn trọng và tin tưởng.

Không có đồng lương dư dả, thầy cô cũng dần mất đi vị thế trong xã hội. Đã qua cái thời nghề giáo được kính trọng và tin yêu. Tiến trình vận động xã hội, bất cập trong ngành cùng lối tư duy nửa mùa của nhiều phụ huynh,… tất cả khiến thầy cô biến thành “thợ dạy” từ lúc nào không biết. Phàm thứ gì mua được bằng tiền thì vẫn rẻ mà thôi. Chỉ có điều, tiền chỉ mua được giờ dạy, tâm mới mua được tấm lòng người giáo viên. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy, tình yêu ấy đôi khi chỉ là một lời chào tử tế.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần được lãnh đạo tin tưởng. Là người có học, dù ít hay nhiều, ai cũng có cái tôi. Chê hậu bối nông cạn và ngây thơ, tiền bối quên mất mình cũng bảo thủ và thành kiến. Tại sao không nghĩ rằng, lớp trẻ sẽ có nhiều ý tưởng và nhiệt huyết, còn thế hệ trước có kinh nghiệm và sự trải đời? Tin tưởng để mỗi người được phép làm việc và rèn giũa cái tôi, sau đó cùng kết hợp để tạo ra thành quả.

Bất cứ nghề gì cũng cần cái tâm đi trước, nhưng nghề giáo thì chữ tâm làm trọng. Người giáo viên chân chính luôn có đủ sức ảnh hưởng để thay đổi cuộc đời một con người. Hầu hết những sinh viên sư phạm đều có cho mình ít nhất một người thầy cô như vậy. Nếu không, họ đã chẳng dành hết thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời để gắn bó với công việc khó khăn này. Vậy thì hãy để cái tâm đó được toàn vẹn.

Đừng để "chuột chạy cùng sào"...

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, đó là câu nói cách đây vài chục năm, ám chỉ những học sinh khó khăn, bế tắc nhất mới thi vào sư phạm- nghề trí thức nghèo nhất. Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, nhưng đồng lương giáo viên vẫn còm cõi và thầy cô ngày càng mất đi sức ảnh hưởng của mình. Nghề giáo- nghề rường cột của đất nước, nhưng đãi ngộ và quyền lợi vẫn là một ẩn số bấy lâu nay.

Cải cách giáo dục lấy học trò làm trung tâm nhưng đừng quên người đứng lớp. Nếu không có chính sách phù hợp, không chấn chỉnh tư duy một cách có hệ thống, 10 năm nữa, người giỏi sẽ không chọn làm giáo viên. Viễn cảnh giáo dục ra sao, tương lai đất nước thế nào, mỗi người tự có dự liệu.

Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã gửi thư cho giáo viên cả nước, tâm sự rằng vẫn đau đáu với cuộc sống của thầy cô. Ngày hôm nay, khi đứng trước Quốc hội và trả lời chất vấn, vây quanh Thầy Sơn vẫn là những câu hỏi về học thuộc văn mẫu, dạy thêm và học thêm,… Đã mấy chục năm, qua bao nhiêu đời Bộ trưởng, nhưng vấn đề vẫn còn ở đó.

Thầy Sơn cũng từng là một sinh viên Khoa Ngữ văn, cùng dành gần hết cuộc đời gắn bó với hoạt động Giáo dục & Đào tạo. Hy vọng rằng trong nhiệm kỳ của Thầy, cả 4 trụ cột của giáo dục sẽ thấu hiểu những khó khăn, thông cảm cho nhau và tử tế với nhau. Tôn trọng, tin yêu và hiểu rằng, thầy cô cũng đáng thương khi giáo dục xuống cấp. 

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

5/5

3 bình luận về “Thầy cô cũng đáng thương…”

  1. Em thấy việc không sử dụng văn mẫu mà kích thích sự sáng tạo của học sinh là rất đúng ạ. Bản thân vừa bước ra kì thi THPT QG cũng như 12 năm đèn sách, em cảm nhận được rất rõ điều này. Cô giáo cứ cho văn mẫu thế là đề bài khác lại không xử lý được.
    Với lại gần đầy, về đãi ngộ với sinh viên đã có trợ cấp hàng tháng và đầu vào điểm đại học thì cao hơn. Đây là sự tiến bộ mới của ngành GD từ rất lâu rồi mới có.
    Tuy không học ngành sư phạm nhưng bản thân em vẫn có niềm đam mê với ngành này. Về ý tưởng đổi mới chị có thể chia sẻ cho mọi người được nghe không ạ, em rất hứng thú và tò mò ạ. Đọc các bài viết của chị lập luận rất hay và sắc bén, cảm ơn chị nhiều!

    Bình luận

Viết một bình luận