(1518 chữ, 5 phút, 3 giây đọc)
Đối với sinh viên truyền thông, việc chuyển từ lý thuyết sang thực tiễn nghề nghiệp là một hành trình chông gai. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu tại sao nền tảng lý thuyết vững chắc là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong lĩnh vực truyền thông đầy biến động, đồng thời giúp trả lời cho câu hỏi làm thế nào để “dấn thân” hiệu quả vào thế giới công việc thực tế.
1. Nền tảng lý thuyết là xuất phát điểm quan trọng
Kỳ vừa rồi mình dạy môn Social Media – Truyền thông mạng xã hội tại Học viện Ngoại giao. Sinh viên năm 2 được thầy cô đưa đến các cơ quan Nhà nước (toà soạn báo chí, bệnh viện, trung tâm bảo tồn di tích) để thực hiện các chiến dịch truyền thông trên nhiều kênh Social Media. Nghe thì có vẻ thực hành nhiều, nhưng phần lớn thời lượng học trên lớp chỉ toàn lý thuyết. Cách thức đánh giá cũng xoay quanh việc: sinh viên có thực sự hiểu và áp dụng lý thuyết vào thực tiễn không?! Kỳ lạ quá nhỉ?
11 năm trước, mình cũng là sinh viên, cũng đến lớp và thường lẩm bẩm: “Ngồi ở đây để làm gì nhỉ?” Mình tin sinh viên Ngoại giao hôm nay cũng thường xuyên tự vấn về ý nghĩa và giá trị của môn học nào đó. Trong bối cảnh học phí tăng, thị trường việc làm cạnh tranh và mức lương thực tế ngành truyền thông không nhiều chữ số như bài đăng trên Threads, các em hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào những ca học ở trường.
2. Dấn thân là bước nhảy từ lý thuyết đến thực tiễn
Nhưng kỳ lạ thay, hầu hết những gì giảng viên có thể dạy (và nên dạy các em), lại là lý thuyết. Để hiểu vì sao, mọi người hãy đọc to từ khoá: DẤN THÂN.
“Dấn thân” trong tiếng Anh có thể được dịch là “to commit oneself” hoặc “to engage deeply”. Từ này chỉ một hành động tự nguyện và tích cực tham gia vào hoạt động nào đó với toàn bộ tâm huyết và nỗ lực của mình. Đó là hành động thể hiện sự cam kết sâu sắc, vượt xa khỏi sự tham gia đơn thuần. Khi một người “dấn thân”, họ sẵn sàng đối mặt với thử thách, chấp nhận rủi ro để theo đuổi mục tiêu hoặc lý tưởng của mình. Khái niệm này bao gồm sự tận tâm, kiên trì và sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn. Trong bối cảnh giáo dục và phát triển nghề nghiệp, “dấn thân” đánh dấu bước chuyển từ học tập thụ động sang tham gia tích cực vào lĩnh vực của mình, đón nhận cả cơ hội lẫn khó khăn từ trải nghiệm thực tế.
Trung bình, chúng ta sẽ có 30-40 năm làm việc trước khi về nghỉ hưu. Tuy nhiên, số năm làm việc KHÔNG đồng nhất với kinh nghiệm tích luỹ, càng KHÔNG đảm bảo vị trí và đóng góp của ta trong lĩnh vực. Bởi vì có những người lao động – suốt đời chỉ làm một công việc với các thao tác quen thuộc, môi trường quen thuộc, kết quả quen thuộc. Họ có lý do khi chọn như vậy. Chỉ là, nếu ta không muốn trở thành họ thì DẤN THÂN là điều bắt buộc.
3. Vận dụng lý thuyết trong thực tiễn: Bài học từ "chuyến ra khơi"
Như một con thuyền phải ra khơi lúc bình minh, các em không thể kiểm soát hoàn toàn những gì sẽ xảy đến. La bàn, dự báo thời tiết hay bản đồ… đều rất hữu ích. Nhưng thứ gì rơi từ trên trời xuống hoặc trồi lên từ đáy đại dương? Biết c.h.ế.t liền! Vậy nên con thuyền mới cần mỏ neo, còn người thuỷ thủ cần học kỹ thuật lái tàu từ căn bản nhất.
Mỗi dự án các em nhận giống như một chuyến ra khơi đầy thách thức. Ngân sách eo hẹp hay kế toán bên đối tác bận đi đẻ chỉ là chặng cuối của hải trình thôi. Trước đó là nhiều đêm nghiên cứu brief, làm rõ mục đích, mục tiêu, chuẩn bị 7749 phương án chạy chiến dịch. Đến lúc chạy rồi mới tòi ra khủng hoảng, thiếu chỉ tiêu, vi phạm quy định, sụt giảm nguồn lực,… Đến lúc ấy, người có lý thuyết giống như thuyền có mỏ neo, dù vẫn chao đảo nhưng không vội chìm trong bão tố.
Giảng viên đại học có hai nhiệm vụ chính: tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Nghiên cứu là để nắm bắt các quy luật vận động trong tự nhiên và xã hội. Sau đó mới đến bước giúp người khác hiểu và vận dụng quy luật, dự báo tác động, giảm thiểu rủi ro hoặc nâng cao khả năng thành công… Vì tự nhiên và xã hội không đứng yên nên quy luật sẽ cần được điều chỉnh, còn lý thuyết cần được kiểm chứng lại và làm mới liên tục.
Biển còn lâu mới hết cá. Vấn đề là có con thuyền nào dám ra khơi hay không? Mà để ra khơi rồi về bờ nguyên vẹn, mời các em đọc lại từ đầu.
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.