(2025 chữ, 6 phút, 45 giây đọc)
Ở đâu đó có một người mẹ tự hào khi “phá” kế hoạch vào Ams của con gái. Ở đây có một cô con gái hạnh phúc khi dám cãi lời bố để học trường Chuyên. Ảnh minh họa:
Dù không được ủng hộ nhưng mình vẫn quyết định học Chuyên
Khoảng 13 năm trước, mình đỗ trường Chuyên. Dù chỉ đỗ nguyện vọng 2 vào chuyên Pháp, mình vẫn thấy rất vinh dự. Quê mình thuở ấy còn nghèo và lạc hậu lắm, nhiều bạn thi trượt cấp 3 hoặc chỉ học hết lớp 9 rồi thôi. Vì lẽ đó, việc thi đỗ ngôi trường xịn nhất của tỉnh gây xôn xao đầu làng cuối xóm.
Chỉ không ngờ sự kiện này lại làm rạn nứt tình cảm cha con. Bố mình phản đối kịch liệt bởi “nếu vào đó học, con sẽ…”
1. Học lệch, mất gốc tiếng Anh và đâm đầu vào một ngôn ngữ kém phổ biến (là tiếng Pháp đó).
2. Bị lu mờ bởi yếu kỹ năng so với trẻ em thành phố, mệt mỏi vì áp lực cạnh tranh.
3. Bỏ bê em trai ở nhà, xa gia đình nên khó quản lý.
Bố mình luôn như vậy! Không phải là ngăn cản con học, mà muốn con học tiếng Anh và ở lại huyện trong 3 năm để kèm cặp em. (Mình đỗ Á khoa trường THPT trọng điểm của huyện năm đó). Là người hiểu biết và giỏi ăn nói, mỗi lần dạy con, bố sẽ có nhiều lý lẽ để thuyết phục. Nếu con chưa nghe, bước tiếp theo sẽ là doạ đuổi ra khỏi nhà, không thèm nói chuyện. Bố “không chấp nhận một đứa con cứng đầu như thế!”. Cuối cùng, mình vẫn học trường Chuyên. Mẹ đã thay bố nuôi mình đi học.
Cho đến giờ, mối quan hệ của 2 bố con vẫn không thể hàn gắn hoàn toàn. Nhắc về chuyện xưa, bố vẫn cho rằng “con đã sai”. Có thể mình sai với bố nhưng ít nhất, mình đã đúng với bản thân. Phụ huynh không nên nghĩ rằng cứ sinh con ra là sẽ biết hết tâm tư và nhu cầu thực sự của con cái.
Bố không biết được thời điểm mình muốn nhảy giếng chính là lúc vừa lên lớp 6. Gia đình tan vỡ từ khi học lớp 2, mình đã cố gắng dựa vào học tập và sách truyện để vui hơn. Hai năm cuối bậc Tiểu học, mình ở trong đội tuyển HSG của cả khối. Nhóm gồm chục bạn, luôn ngồi bàn đầu, luôn được thầy cô dạy dỗ và quan tâm đặc biệt. Chúng mình cùng học và chơi với nhau. Vậy mà vào cấp 2, hầu hết các bạn đều lên trường Chất lượng cao của huyện. Mình rớt lại vì… nhà nghèo.
Bước chân vào trường làng và không còn lớp chọn, những ngày đầu đi học chẳng khác gì địa ngục. Cả lớp có khoảng 40 bạn, dường như chỉ có Trang ngồi học và muốn học. Làm lớp trưởng của một tập thể vừa lười vừa không có nhu cầu rèn luyện, tuần nào cũng bét bảng xếp hạng, mình như phát điên. Bố mẹ chia tay từ trước, nhưng khi con lên lớp 6 mới chính thức ra toà ly hôn. Mẹ đi Tây đi Tàu, bố vào trong Nam làm việc.
Gia đình đã chẳng có gì vui vẻ, đến trường lại ức chế với sự vô ý thức của bạn bè. Có những buổi tối, mình đứng ở thành giếng một lúc lâu, phân vân giữa việc nhảy xuống hay vào học tiếp… Hôm nay, bạn đọc được dòng chữ này vì ngày xưa ấy mình đã không làm điều dại dột.
Mình có ước mơ!
Học trường Chuyên - Ước mơ chính đáng
Sinh ra ở vùng quê thuộc huyện miền núi, mình mơ 1 lần đặt chân ra biển, mơ được đến Hà Nội rồi đi thăm Ai Cập và Trung Quốc… Vì ước mơ còn dang dở nên mình chưa thể biến mất khỏi cuộc đời. Thay vào đó, mình cố gắng học và giúp đỡ các bạn trong lớp cùng tiến bộ. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm dạy dỗ của thầy cô, 3 năm sau (lớp 8) mình đạt giải Nhất cấp huyện môn tiếng Anh. Một kết quả hiếm có ở trường làng.
Lúc này, Phòng Giáo dục có công văn đưa hết học sinh xuất sắc về bồi dưỡng tập trung ở trường CLC của huyện. Bố mình lưỡng lự rồi cũng cho đi với mong muốn “con gái sẽ phát triển”. Chẳng hiểu sao đến khi thi đỗ trường Chuyên của tỉnh, bố lại phản đối kịch liệt. Có điều, mình không thể quay đầu, không thể bỏ lỡ cơ hội chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong đời.
Bố nói không sai, 3 năm ở trường Chuyên rất rất áp lực. Nhưng cũng nhờ 3 năm đó, gia đình mới có một đứa con gái vừa học tốt vừa sống tự lập. Nhờ trường Chuyên, bố mẹ nhận ra con không chỉ biết học mà còn biết viết báo, biết múa, biết nhảy, biết thi đấu thể thao có huy chương hẳn hoi. Nhờ ngôi trường này, con gái bố mẹ có học bổng đủ các kỳ, có điểm thi Đại học top đầu cả nước, có danh hiệu Hoa khôi người đẹp… Cũng nhờ Chuyên, gia đình mới biết con rất mê ngôn ngữ và đành lòng cho nó thi vào Ngoại giao.
Những năm tháng ở Học viện Ngoại giao còn khổ cực hơn thế! Nơi đó hội tụ người tài đến từ 3 miền tổ quốc. Ngoại ngữ rất khó, môn chuyên ngành cũng khó, thầy cô còn khó hơn nữa. Mình đã bế tắc, đã bảo lưu và đã quay về học tiếp. Sức mạnh ấy đến từ 3 năm cày ải ở trường Chuyên.
Chuyên Vĩnh Phúc cho mình nhiều thứ hữu hình mà ai cũng thấy, như là thành tích, danh hiệu hay bằng cấp. Chỉ có một giá trị mà ngay cả bố mẹ mình cũng chẳng nhìn ra, đó là kỹ năng sinh tồn và phát triển ở những nơi toàn-người-ưu-tú. Phát triển để có bệ phóng cho sự nghiệp, để tự lo cho bản thân và có thể giúp đỡ nhiều người xung quanh. Hạnh phúc của mình không đến từ thứ hạng, nó đến từ sự phát triển.
Cho đến hôm nay, bố mình vẫn nhắc chuyện cũ và cho rằng “đã giỏi thì học ở đâu cũng thế”. Mình im lặng không nói gì, bởi vì mình biết, phải thực sự học ở trường làng và trường chuyên mới hiểu rõ sự khác biệt. Thời gian thoi đưa, năm nay con mình lên lớp 2 và đang là học sinh của một trường điểm hệ công lập. Nếu một ngày con muốn thi Chuyên, mình chỉ nói rằng:
“Môi trường đó sẽ rất khắc nghiệt. Con đã tìm hiểu và suy nghĩ kỹ chưa? Nếu con không sợ, mẹ sẽ đồng hành và ủng hộ bằng mọi giá! Mẹ không hy vọng con ngoan ngoãn và nghe lời răm rắp. Mẹ chỉ muốn con sống có ước mơ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm!”. Vậy thôi!
Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi và chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn!
Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.