Vòng lặp bi kịch trong văn học Việt Nam qua chuyện đời Chí Phèo và anh Núi

10 Views

(2489 chữ, 8 phút, 17 giây đọc)

Văn học Việt Nam thế kỷ XX đã tái hiện những bi kịch cuộc sống dưới góc nhìn mới, nâng đỡ tâm hồn độc giả. Qua câu chuyện của Chí Phèo và anh Núi, bài viết này khám phá sâu sắc vòng lặp của bi kịch và sức mạnh của văn chương trong việc thức tỉnh nhân tính.

Văn học sau năm 1986 là văn học Đổi mới, ra đời trong bối cảnh Việt Nam đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và có những thay đổi ngoạn mục. Tuy vậy, con người mới vẫn không tránh khỏi những bi kịch cũ. Nhìn vào một số tác phẩm văn học Việt Nam trong thế kỷ XX, độc giả không chỉ nhận ra vòng lặp của bi kịch mà còn có thêm góc nhìn mới để trưởng thành về tâm hồn.

1. Chí Phèo: Bi kịch của người nông dân dưới chế độ thực dân - phong kiến

Trước Cách mạng Tháng Tám, “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã làm rõ bi kịch cuộc đời người nông dân lương thiện dưới chế độ thực dân – phong kiến. Trong kiếp sống hơn 40 năm, Chí Phèo gặp không ít người và trải qua nhiều chuyện. Phân cảnh Chí gặp bà bán rượu nghèo khiến nhiều độc giả phải uất ức mà òa khóc. Theo mạch truyện, thuở ấy Chí đã ra tù và về làm tay sai cho chính người đẩy mình vào tù, là cụ Bá. Để lấy thêm can đảm làm việc ác, Chí nhờ rượu đưa mình vào cơn say. Đến khi hết tiền, hắn ép người bán rót thêm rượu để uống. Dù bà bán rượu có khóc lóc, Chí vẫn châm lửa đốt quán để doạ nạt và trấn lột bằng được cút rượu.

Chí Phèo hiểu hơn ai hết về nỗi đau khi bị ức hiếp. Cuộc đời của anh canh điền hiền lành đã bị méo mó bởi bàn tay của những kẻ có tiền có quyền, giỏi nhất là bòn rút và bắt nạt kẻ yếu. Nhưng cuối cùng, hắn lại trở thành một người như vậy, trở thành người mà mình căm ghét đến xương tủy!

Chí lớn lên không có mẹ cha, không có ai yêu thương nên sau lưng không còn điểm tựa. Người thân cô thế cô tựa như chú mèo con đi lạc, run rẩy giữa trời mưa chẳng biết phải nấp vào đâu. Đó là hình ảnh tội nghiệp của Chí Phèo thuở trẻ.

Nửa đời trước, kẻ xấu làm khổ hắn bằng đủ thứ nhẫn tâm. Nửa đời sau, hắn lại làm khổ vô số người tội nghiệp khác như một cách bù đắp cho những tổn thương cũ. Không cam chịu sự ức hiếp, hắn… dựa vào kẻ mạnh và tìm đến những người yếu thế để chọc quấy.

Hàng chục năm phá làng phá xóm, Chí Phèo coi việc đạp đổ hạnh phúc của người khác như niềm vui chắp vá lại đời mình. Một người tổn thương sâu sắc tìm cách chữa lành bằng cách gây ra thương đau cho kẻ khác. Tới khi được Thị Nở quan tâm chăm sóc, Chí mới nhận ra niềm vui sống cũng đến từ tình yêu thương.

2. Anh Núi: Bi kịch của con người mới trong xã hội "mới"

Đến năm 1994, nhà văn Lê Lựu cho ra đời tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông”. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời anh Núi, sự tha hóa của nhân vật chính có nhiều điểm tương đồng với bi kịch của Chí Phèo.

Núi là con của vợ lẽ, thực chất là một “con ở”. Sau những lần vụng trộm giữa ông chủ và người ở, một bào thai đã thành hình. Sợ làng xóm dị nghị, bà chủ đề nghị chồng mình lấy người ở làm vợ hai. Tuy nhiên, cái mác “vợ hai” không xoá nổi khoảng cách giai cấp trong tư tưởng của họ. Bi kịch của con người mới lại tiếp tục nảy sinh từ vấn đề cũ: vấn đề giai cấp, phân biệt đối xử.

Trong mắt ông chủ “bố”, những đứa con vợ hai cũng chỉ như kẻ hầu người hạ trong nhà. Ông ta khinh miệt, không một chút tôn trọng. Núi đã tổn thương suốt thời thơ ấu vì điều đó. Đến khi mẹ qua đời, sự ghẻ lạnh của bố khiến Núi phải tìm mọi cách để tồn tại và nuôi các em khôn lớn.

Anh làm đủ thứ trên đời, bao gồm cả những việc gian dối, phi pháp. Thế rồi ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, Núi tìm được một người phụ nữ chung cảnh ngộ và có với nhau một mặt con. Đến khi vợ bỏ đi rồi con ốm, Núi tiếp tục trộm cắp để hai cha con sống tiếp. Đó là một lựa chọn sinh tồn, bất chấp sự khinh bỉ và coi thường của bà con lối xóm. Về phần người cha, chính ông viết thư nhờ cán bộ “nhốt con vào tù”.

Sau những lần tù tội, Núi đã thay đổi. Con người tất phải thay đổi khi băng qua những tổn thương nhưng ít ai tự nhận ra điều đó. Anh nghĩ mình ổn cho đến một ngày, con gái anh dõng dạc nói với cô giáo: Con yêu bố nhất và con ghét ông nội nhất! Sự ghẻ lạnh ấy, đau đớn thay lại đến từ những lời nói của Núi về cha mình. Cuối cùng, anh vừa hắt hủi người thân, vừa gieo rắc hận thù máu mủ ruột thịt vào đứa trẻ ngây thơ vô tội.

3. Bài học từ vòng lặp bi kịch trong văn học

Từ hai nhân vật trên, có thể thấy mẫu số chung của Chí Phèo và anh Núi chính là quá khứ đầy rẫy tổn thương, là hiện tại chìm trong bạo lực và thù hận. Liệu họ có cơ hội quay đầu?

Chí Phèo sẽ vẫn tạo nghiệp ở tuổi ngoài 40 nếu không gặp Thị Nở. Mối tình ngắn ngủi với Thị vô tình đánh thức ước mơ thuở nào của hắn và cũng khiến hắn muốn chết thật nhanh để kết thúc cái ác trong mình.

Núi sẽ không hoàn lương ở tuổi ngoài 40 nếu không gặp lại tình đầu và đứa con trai lớn, gặp những cán bộ trại giam hiểu chuyện và cả những tù nhân có ý chí vươn lên. Sự bao dung của người khác và nghị lực của chính mình đã giúp Núi bắt đầu lại với cái thiện.

Cuộc đời một người có mấy lần 40 năm? Vậy mà cả Chí Phèo và Núi phải đến ngoài 40 mới nhận ra, sâu thẳm trong lòng họ vẫn là tâm hồn lương thiện với những khao khát hạnh phúc đơn thuần. Họ vẫn biết đau với nỗi đau của người khác, vẫn biết rung động trước tấm lòng của người khác, biết mình đã đi quá xa và không dễ tìm lại bến bờ.

Nếu coi cuộc đời là một dòng sông, ước gì chúng ta biết rằng:

“Sự lên, xuống của con nước, sự rào rạt của sóng vỗ cũng từ đáy sông mà tạo nên. Nếu người ta biết là lấp sông vẫn còn nước chảy, còn sóng vỗ, thì hàng trăm năm trước người ta lấp sông để làm gì?” Sóng ở đáy sông, Lê Lựu, 1994

Nhân chi sơ, tính bản thiện. Nhìn vào văn học, soi vào cuộc đời của Chí Phèo và Núi chỉ để nhận ra rằng sự yếu đuối bên trong và sức ép tiêu cực bên ngoài rất dễ biến ta trở thành người mình căm ghét nhất. Rồi ta lại phản bội những ước mơ và lý tưởng của chính mình. Thế mới có câu rằng…

“Khi chọn cho mình cuộc sống lương thiện để đi qua cuộc đời này, kẻ đó như phải một mình chống lại vạn người; mặc giáp mang khiên ra đi, quyết tâm sẽ không thất bại.

Có người vừa ra khỏi cửa, vừa nhận lấy vài tổn thương đã quay về, đã bỏ cuộc. Có người đi được nửa đường, không chịu nổi sự khắc nghiệt của cuộc đời, rồi cũng bỏ cuộc quay về. Có người giữa đường đánh mất mình, trở thành người cay nghiệt như cuộc đời, không trở lại được như ngày xưa nữa.

Có người đi qua bao nhiêu trong đục cuộc đời nhưng vẫn giữ được đôi mắt thật trong thật hiền như ngày xưa.

Ta không bỏ cuộc. Người cũng đừng bỏ cuộc!”

Trên hành trình vạn dặm của đời người, văn học xuất hiện, tái hiện lại những bi kịch trong cuộc sống để gieo thêm những tia nắng ấm. Tia nắng có thể chiếu sáng tâm hồn, chiếu sáng góc khuất trong những câu chuyện. Cũng từ đó mà chúng ta có động lực đi tiếp với cuộc đời. Ta không bỏ cuộc!

P/S: Bài viết trích từ cuốn sách Văn học cách mạng – Theo dấu ước mơ, Triệu Nguyễn Huyền Trang (chủ biên). Bạn có thể đọc thử tại đây: https://shorturl.at/txu4T

Sách được bán tại Shopee Mall Yên Văn: https://vn.shp.ee/ceTMyWx  

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy nội dung hữu ích, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận