Vượt lên định kiến về chọn trường, chọn ngành

77 Views

(1175 chữ, 3 phút, 55 giây đọc)

Rất lâu về trước, khi mình “chọn Ngoại giao” làm bến đỗ cho mấy năm tuổi trẻ, nhiều người đã hoảng hốt và lo sợ bởi những định kiến về trường. Giờ đây, khi đã đứng trong hàng ngũ nhân sự của Bộ Ngoại giao, mình thường xuyên phải trả lời thêm 1 câu hỏi rất phổ thông:

Nhà cháu có người trong ngành hả?

Thật may vì nhà mình 3 đời không ai làm Ngoại giao, nên hôm nay kết quả đạt được không bị gắn mác “dựa hơi bố mẹ”. Nhưng nếu có thì sao? Chẳng lẽ con cái không được kế thừa và tiếp nối truyền thống của gia đình?

Thật may vì cách đây 10 năm mình đã không vì suy nghĩ “con ông cháu cha” mà từ bỏ kế hoạch thi vào Học viện. Nơi đây tuy vẫn còn những điều chưa hoàn hảo nhưng đã giúp mình thực hiện nhiều ước nguyện và hoài bão trong đời.

Thật may vì sau những khó khăn và thử thách mà DAV đem lại, mình đã hoàn thành việc học một cách chỉn chu nhất. Kiến thức, kỹ năng và những mối quan hệ tuyệt vời có được sau mấy năm Đại học đã góp phần tạo nên bản thân mình của hôm nay.

Nếu được dành tặng cho bản thân một lời khen, mình chỉ muốn nói rằng “Trang đã rất dũng cảm để dấn thân và vượt lên định kiến!”.

Thực ra, những nhận định khiên cưỡng và áp đặt ấy cũng sinh ra từ cuộc sống mà thôi! Nó tồn tại tức là đã từng đúng ở một khía cạnh nào đó. Để vượt lên định kiến, người trẻ chỉ còn cách quăng mình vào thực tiễn, trải nghiệm và tự rút ra kết luận cho riêng mình!

Ngoại giao - sự thật đằng sau những định kiến

Ngày ấy, mình phải bước chân vào Học viện mới hiểu được những cơ hội, thách thức và áp lực sau cánh cổng trường Ngoại giao. Thầy cô tài giỏi và hiểu biết sâu rộng, bạn bè năng động và rất chăm. Nếu không thích nghi với guồng quay học tập – ngoại khóa, sinh viên rất dễ mất đà và “trượt dài”, để 4 năm trôi qua trong hỗn độn.

Tiếp đó, phải đi sâu tìm hiểu ngành Ngoại giao, mình mới hiểu vì sao Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ luôn tốn nhiều công sức để tìm kiếm nhân sự kế cận. Dù đã chứng minh được năng lực qua kỳ thi tuyển dụng, lý lịch của chúng mình vẫn cần xét đến 3 đời và trải qua nhiều vòng thẩm tra bởi Bộ Công an. Công tác ngoại giao và đào tạo nhân lực đối ngoại đều liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia dân tộc, bản lĩnh chính trị và tư tưởng thiếu vững vàng thì hậu họa không thể lường trước.

Cứ như vậy, lật giở từng trang sách và trải qua những năm tháng vui buồn với Ngoại giao, mình cũng hiểu được một vài khía cạnh đúng – sai của định kiến ngày nào. Dù chặng đường ấy có nhiều vất vả, không ít lần một người lì đòn như mình cũng phải ôm mặt khóc vì áp lực, nhưng mình tin “chọn Ngoại giao” vẫn là một quyết định đỉnh của chóp. Cũng có thể sự dũng cảm và cố gắng của tôi đã biến lựa chọn đó thành ra hay ho như vậy!

Môi trường bình đẳng, năng động và nhiều thách thức; tư duy cởi mở và tôn trọng sự khác biệt; thầy cô bè bạn vừa hiền hoà dễ mến lại đáng yêu; người Ngoại giao dùng lời không dùng vũ lực… đó là những gì đọng lại trong mình sau khi Tốt nghiệp DAV. Mong rằng trong hành trình kế tiếp, Ngoại giao của tôi sẽ giữ được truyền thống tốt đẹp ấy và dần dần cởi bỏ những định kiến lỗi thời.

Triệu Nguyễn Huyền Trang - Bộ Ngoại Giao
Bỏ ngoài tai những định kiến, mình không chỉ "học Ngoại giao", mà còn "làm Ngoại giao" :>

Lời nhắn gửi : Cảm ơn bạn đã đọc bài. Nếu thấy đồng tình với nội dung, bạn có thể chia sẻ đến nhiều người hơn nữa. Trong trường hợp cần trao đổi chỉnh sửa, bạn hãy bình luận vài dòng vào khoảng trống dưới đây. Luôn mong chờ phản hồi từ bạn! 

Bạn có thể dành thêm 3 giây để chia sẻ bài viết này lên Facebook.

Viết một bình luận